Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ lại căng thẳng: Chuyện mới, nợ cũ

12:00 | 25/11/2020

Căng thẳng EU-Thổ Nhĩ Kỳ không lạ, nhưng diễn biến mới có thể khiến quan hệ song phương chạm đáy, gây phức tạp tình hình tại khu vực vốn đã rối ren. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.

Mối quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ chưa có dấu hiệu ấm lên. (Nguồn: Hội đồng châu Âu)

Mọi chuyện bắt đầu khi ngày 15/11, trong chuyến thăm khu vực ly khai phía Bắc đảo Cyprus, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố ủng hộ tách vĩnh viễn đảo Cyprus thành hai quốc gia. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Cyprus sẽ không còn dung thứ với “trò chơi ngoại giao” trong tranh chấp quốc tế về chủ quyền với nguồn tài nguyên ngoài khơi ở Đông Địa Trung Hải.

Rắc rối mới

Ngay lập tức, động thái này đã gặp sự phản đối gay gắt của Liên minh châu Âu (EU): Trong họp báo ngày 19/11, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại EU Joseph Borrell cho rằng những tuyên bố mới đây của Thổ Nhĩ Kỳ về Cộng hòa Cyprus đang làm trầm trọng thêm quan hệ căng thẳng với EU. Đồng thời, Brussels sẽ cân nhắc việc áp đặt trừng phạt Ankara do có hành vi thăm dò tài nguyên trái phép trên biển khi lãnh đạo các nước thành viên gặp nhau vào tháng 12.

Đáp lại, Tổng thống Erdogan khẳng định: “Chúng tôi hy vọng EU sẽ giữ lời hứa của mình, không phân biệt đối xử với chúng tôi hoặc ít nhất là không trở thành công cụ để mở ra những thù địch nhắm vào đất nước chúng tôi”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ “không nhìn thấy chính mình ở nơi khác mà ở châu Âu”, đồng thời muốn xây dựng một tương lai với châu Âu.

Tuy nhiên, ít lâu sau, căng thẳng được đẩy lên cao trào khi ngày 23/11, Berlin cho biết Ankara đã ngăn cản các binh sỹ Đức trên tàu khu trục hạng nhẹ Hamburg, vốn đang tham gia sứ mệnh quân sự của EU, khám xét tàu chở hàng Rosalina-A của Thổ Nhĩ Kỳ vì nghi ngờ chuyển vũ khí tới Libya. Tuy nhiên, quá trình khám xét cho thấy không có vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ trên tàu.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định tàu Rosalina-A chứa nhiều loại hàng hóa như thực phẩm, sơn… và chỉ trích lực lượng kiểm tra đã vi phạm luật pháp quốc tế khi không cho phép. Ankara cho rằng Brussels có “tiêu chuẩn kép” khi ngăn chặn vũ khí chuyển đến cho Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA), nhưng lại phớt lờ hoạt động trung chuyển vũ khí cho Quân đội Quốc gia Libya (LNA). Đáp lại, EU cảnh báo sẽ thực hiện biện pháp chống lại bất kỳ bên nào khiến hòa bình ở Libya gặp rủi ro.

Câu chuyện cũ

Tuy nhiên, căng thẳng này đâu phải là chuyện ngày một ngày hai. Không khó để thấy ba vấn đề nóng, chưa được giải quyết đang cản trở quan hệ song phương phát triển theo hướng tích cực.

Đầu tiên và sâu xa hơn cả, đó là câu chuyện về tư cách thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ. Từ lâu, Ankara đã nhiều lần đề cập vấn đề này, song đều không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Điều này được biểu lộ rõ qua tuyên bố trên của ông Erdogan, mong muốn được đối xử công bằng, thậm chí trở thành một phần của khối và cùng xây dựng tương lai.

Tuy nhiên, đây không phải chuyện “cầu được ước thấy”, khi song phương có quá nhiều khác biệt để làm người một nhà, đơn cử như khi EU chỉ trích gay gắt luật chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thứ hai, đó là bất đồng về người nhập cư. Sau thỏa thuận với EU, hiện Thổ Nhĩ Kỳ là điểm dừng chân lớn nhất của người tị nạn tại châu Âu, với 4,1 triệu người, phần lớn đến từ Syria. Điều này đặt kinh tế quốc gia này trước sức ép nhất định: “Đền bù” của EU chẳng thấm tháp so với 40 tỷ USD nước này khẳng định chi cho người tị nạn, trong khi hứa hẹn về tư cách thành viên EU cũng bị bỏ qua.

Tất nhiên, Tổng thống Erdogan không ngồi yên khi từng đơn phương tuyên bố mở cửa biên giới cho người tị nạn vào EU hồi tháng Ba, trong bối cảnh châu Âu đang trên đỉnh dịch Covid-19. Động thái này đã chọc giận châu Âu, khiến quan hệ Brussels-Ankara tiếp tục chìm sâu trong căng thẳng.

Thứ ba và mới nhất là đối lập quan điểm xung quanh tranh chấp tại Đông Địa Trung Hải. Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định có quyền thăm dò và khai thác dầu khí tại phía Đông Địa Trung Hải. Đổi lại, EU lên tiếng bảo vệ hai nước thành viên, cho rằng Hy Lạp và Cyprus có chủ quyền với khu vực này theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi đầu tháng 10, Thổ Nhĩ Kỳ điều tàu thăm dò dầu khí Oruc Reis tới vùng biển này, khiến Hy Lạp triển khai và đặt quân đội trong tình trạng báo động.

Những tưởng mọi chuyện đã lắng xuống sau khi cả Athens và Ankara hứa hẹn về một cuộc đàm phán. Tuy nhiên, phát ngôn gây tranh cãi của Thổ Nhĩ Kỳ về Bắc Cyprus và hành động quyết liệt của EU đã khiến quan hệ song phương một lần nữa gay gắt trở lại.

Song liệu lần này, mọi chuyện có khác? Quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cải thiện, hay vẫn tiếp tục chạm đáy, đặt Đông Địa Trung Hải nói riêng và châu Âu nói chung trước nguy cơ bất ổn kéo dài? Câu trả lời còn ở phía trước.


Theo Thế giới & Việt Nam

undefined