Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất nhằm tránh tụt hậu?

12:00 | 18/09/2019

Theo TS. Chua Hak Bin và Linda Liu (MBKE), mức cắt giảm lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa thực hiện dường như là bước đi nhằm tránh tụt hậu.

Thứ Sáu ngày 13/9/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bất ngờ công bố cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất điều hành, như một tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng.

Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu lần lượt xuống còn 6% (từ mức 6,25%) và 4% (từ mức 4,25%) kể từ ngày 16/9/2019. Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ tháng 7/2017.

Với động thái trên, các nhà phân tích của Maybank KimEng (MBKE) gồm TS. Chua Hak Bin và Linda Liu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì mục tiêu tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức 14% cho thời gian còn lại của năm 2019 và năm 2020.
MBKE đánh giá quyết định cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là nhằm điều chỉnh chính sách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thời gian tới.
Mặc dù về lý thuyết, lãi suất được cắt giảm sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp hơn, hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng và là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của MBKE, mức cắt giảm không tác động nhiều đến việc hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng và tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn. Mặt bằng lãi suất trên thị trường tiền tệ hiện đang thấp hơn khoảng 2 điểm phần trăm so với lãi suất điều hành.
Lãi suất điều hành của Việt Nam đã cao hơn lãi suất liên ngân hàng và sẽ tác động không lớn đến thị trường. Nguồn: SBV, CEIC, Maybank KE
Ngoài ra, theo MBKE, Ngân hàng Nhà nước sử dụng cụm từ “tăng trưởng tín dụng mục tiêu” như là công cụ điều hành chính sách tiền tệ chủ yếu để kiểm soát lạm phát và tăng trưởng trong khi các công cụ lãi suất đóng vai trò thứ yếu.
Mức lãi suất cắt giảm dường như là một bước đi nhằm tránh tụt hậu, rơi vào khó khăn trong bối cảnh làn sóng nới lỏng diễn ra trên phạm vi toàn cầu và nhấn mạnh quan điểm ổn định lãi suất cho vay.

MBKE kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 6% cho đến hết năm 2020 cũng như tăng trưởng tín dụng mục tiêu ở mức 14% cho năm 2019.
Trong ngắn hạn, MBKE cho rằng áp lực nói lỏng chính sách tiền tệ đối với Ngân hàng Nhà nước gần như không đáng kể nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức cao (tăng trưởng GDP nửa đầu năm là 6,8%, dự báo của MKE cho cả năm 2019 là 6,8% và 6,7% cho quý 3/2019) và dòng FDI vào liên tục. Việc cắt giảm lãi suất chỉ gây nên lo lắng về rủi ro tín dụng (ở mức 130% GDP vào cuối 2018) mà không có tác động rõ rệt nào đến kinh tế.
Cũng theo đánh giá của tổ chức này, cơ chế truyền dẫn của chính sách tiền tệ tại Việt Nam còn yếu và nó cho thấy rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thông qua các công cụ phi lãi suất như là tăng tưởng tín dụng mục tiêu.
MBKE dự báo tỷ giá USD/VND vào cuối năm nay sẽ ở mức khoảng 23.200 đồng.

Hồng Quân
Theo Bizlive

undefined