Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Làn sóng dịch chuyển FDI từ Trung Quốc về Việt Nam tăng mạnh, cổ phiếu hạ tầng khu công nghiệp tăng trưởng “phi mã”

12:00 | 15/05/2019

Mới đây, Tổng thống Mỹ D.Trump thậm chí đã đăng tải những thông điệp cho thấy xu hướng nhà đầu tư sẽ rời Trung Quốc, tìm đến Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang.

Từ đầu năm tới nay, diễn biến các cổ phiếu thuộc nhóm hạ tầng khu công nghiệp như Viglacera (VGC), Sonadezi (SNZ), Nam Tân Uyên (NTC), Long Hậu (LHG), KCN Cao su Bình Long (MH3), D2D,…diễn ra khá tích cực với mức tăng trưởng hàng chục phần trăm, bất chấp thị trường chung không quá thuận lợi.

Tín hiệu tích cực của nhóm cổ phiếu này bên cạnh yếu tố kỳ vọng thoái vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp, còn có yếu tố quan trọng từ dòng vốn FDI đang đổ mạnh vào Việt Nam, tạo nên nhu cầu lớn về thuê đất hạ tầng khu công nghiệp.

Số liệu từ Tổng cục thống kê cho biết, trong 4 tháng đầu năm, tổng số vốn FDI đăng ký lên tới 14,6 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm trước. Lượng vốn FDI giải ngân cũng tăng 7,5% lên 5,7 tỷ USD.

Thực tế cho thấy, KQKD năm 2018, cũng như quý 1 của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp phần lớn đều ghi nhận mức tăng trưởng hàng chục phần trăm về lợi nhuận, thậm chí tăng bằng lần.

Làn sóng dịch chuyển FDI từ Trung Quốc về Việt Nam tăng mạnh, cổ phiếu hạ tầng khu công nghiệp tăng trưởng “phi mã” - Ảnh 1.

FDI 4 tháng đầu năm tiếp tục tăng mạnh (TCTK, SSI Research)

Theo báo cáo chuyên đề "Việt Nam, trung tâm công nghiệp mới của Đông Nam Á" của Jones Lang Lasalle (JLL), trong hơn 20 năm qua, Việt Nam không ngừng phát triển dần trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á. Bắt đầu mở cửa từ năm 1986 với chỉ khoảng 335 ha đất dành cho các khu công nghiệp, đến năm 2018, Việt Nam đã có gần 80.000 ha đất công nghiệp.

Việt Nam đang phát triển nền kinh tế theo hướng xuất khẩu và khuyến khích doanh trong lĩnh vực này. Điều này được thể hiện rõ qua việc tập trung phát triển các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đồng thời, việc tham gia vào 16 hiệp đinh thương mại tự do (FTA), cũng như CPTPP cũng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh cũng như thu hút đầu tư mạnh mẽ.

Có thể thấy trong những năm gần đây, hàng loạt "đại gia" trên thế giới như Samsung, LG, Cannon, Foxconn…đều đã đầu tư lớn vào Việt Nam.

Làn sóng dịch chuyển FDI từ Trung Quốc về Việt Nam tăng mạnh, cổ phiếu hạ tầng khu công nghiệp tăng trưởng “phi mã” - Ảnh 2.

Cổ phiếu hạ tầng khu công nghiệp tăng "phi mã" trên sàn chứng khoán

Nằm ở vị trí chiến lược, hưởng lợi lớn từ làn sóng dịch chuyển FDI từ Trung Quốc

Cũng theo JLL, Trung Quốc ngày nay dường như không còn là lựa chọn đầu tư sản xuất hàng đầu như giai đoạn trước năm 2012 và điều này đang tạo cơ hội cho sự phát triển sản xuất ở các nước Đông Nam Á, đáng chú ý nhất là Việt Nam và Indonesia. Sự thay đổi này có thể được lý giải bởi những yếu tố sau:

+ Chi phí hoạt động tăng ở Trung Quốc: Như một hệ quả tất yếu, các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm những địa điểm đầu tư tiết kiệm chi phí hơn sẽ xem Việt Nam là một lựa chọn thay thê trong nỗ lực cắt giảm chi phí, chẳng hạn như chi phí lao động, chi phí đào tạo và thuê giám sát.

+Sự tăng trưởng của giá đất công nghiệp: Các thành phố lớn như Thượng Hải ghi nhận giá đất công nghiệp tăng lên mức 180 USD/m2, cao hơn so với các thành phố Đông Nam Á khác, trong khi Việt Nam đang có mức giá đất tương đối cạnh tranh, chỉ ở mức 100 – 140 USD/m2.

+ Định hướng ngành công nghiệp khác nhau: Các nhà máy ở Việt Nam hiện đang chuyên về các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp và thâm dụng lao động. Trong khi đó, Trung Quốc lại đang dịch chuyển lên trong chuỗi giá trị, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tiêu thụ nội địa, tập trung phát triển dịch vụ và xuất khẩu mặt hàng có giá trị cao hơn. Điều này đã định hướng lại dòng vốn đầu tư nước ngoài đối với các ngành dựa trên cơ sở lao động, đất đai và các yếu tố khác.

Ngoài ra, Việt Nam có vị trí chiến lược nằm giữa Trung Quốc và Singapore với 3.260 km bờ biển, tiếp giáp với biển Đông, một trong những khu vực giao thương đường biển trọng yếu của thế giới. Nhờ vào vị trí chiến lược của mình, Việt Nam là một trong những thị trường có khả năng hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng dịch chuyển FDI từ Trung Quốc.

Một yếu tố nữa là việc hiệp định CPTPP được ký kết, cũng như cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng có thể mang đến sự dịch chuyển của các công ty từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Mới đây, Tổng thống Mỹ D.Trump thậm chí đã đăng tải những thông điệp cho thấy xu hướng nhà đầu tư sẽ rời Trung Quốc, tìm đến Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang.

"Thuế nhập khẩu có thể hoàn toàn tránh được nếu các bạn mua hàng từ một nước không bị áp thuế nhập khẩu, hoặc mua hàng từ nước Mỹ. Không có thuế nhập khẩu ở đây. Nhiều công ty bị áp thuế nhập khẩu cũng sẽ rời khỏi Trung Quốc để chuyển tới Việt Nam và các nước tương tự ở châu Á. Đó là lý do tại sao Trung Quốc lại muốn chốt thỏa thuận với Mỹ như thế" ông Trump viết trên tweeter.

Trong 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với hơn 1,3 tỷ USD, chiếm 24,6% tổng vốn đăng ký cấp mới đã mình chứng khá rõ nét cho xu hướng dịch chuyển FDI về Việt Nam.



Minh Anh

Theo Trí thức trẻ

undefined