Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Kinh tế toàn cầu bên “miệng hố” suy thoái?

12:00 | 09/08/2019

Thương chiến Mỹ-Trung leo thang đang đẩy nền kinh tế toàn cầu tới cuộc suy thoái đầu tiên trong một thập kỷ. Giới đầu tư đang gây sức ép đòi các chính trị gia và ngân hàng trung ương phải hành động nhanh để cứu lấy tăng trưởng.


Hãng tin Bloomberg dẫn thống kê từ Đức cho thấy sản lượng công nghiệp nước này trong tháng 6 giảm mạnh nhất hơn 10 năm - phản ánh mức độ nghiêm trọng của tình trạng xuống dốc ngành sản xuất tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Nhiều tín hiệu suy thoái xuất hiện

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ngân hàng trung ương của New Zealand, Ấn Độ và Thái Lan ngày 7/8 đồng loạt có động thái cắt giảm lãi suất gây bất ngờ nhằm bảo vệ nền kinh tế trong nước trước những thách thức từ bên ngoài.

Nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ hiện "cao hơn nhiều so với thời điểm cách đây 2 tháng", cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Lawrence Summers nhận xét với Bloomberg.

"Bạn vẫn có thể đùa với lửa mà chẳng có gì xấu xảy ra, nhưng nếu bạn làm việc đó quá nhiều, sẽ đến lúc bạn bị bỏng" - ông Summers cảnh báo về hậu quả của thương chiến.

Ông Summers, một giáo sư của Đại học Harvard, cho rằng khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới là 50/50.

Trong khi đó, giới đầu tư tỏ ra bi quan hơn nhiều. Đường cong lợi suất giữa trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và tín phiếu kỳ hạn 3 tháng đang ở trong tình trạng đảo ngược nhiều nhất kể từ năm 2007. Điều này cho thấy thị trường đang đặt cược ngày càng nhiều vào nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ.

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã trải qua những phiên sụt mạnh trong thời gian gần đây, giá trái phiếu tăng cao khiến lợi suất giảm sâu, những tài sản an toàn như vàng và Yên Nhật tăng giá mạnh. Không chỉ đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ và đường con lợi suất của trái phiếu Đức cũng đang phát đi tín hiệu cảnh báo về suy thoái.

Song song với đà leo thang của thương chiến Mỹ-Trung là việc lãi suất cơ bản được cắt giảm.

Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) ngày 7/8 khiến nhà đầu tư sửng sốt khi hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm, mức giảm cao gấp đôi dự kiến. Ngân hàng Trung ương Thái Lan hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm, một động thái nằm ngoài dự báo. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ hạ lãi suất 0,35 điểm phần trăm, một mức cắt giảm khá "lạ" so với thông lệ.

Trong bối cảnh thị trường việc làm toàn cầu đang mạnh và động thái hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương tạo ra một "tấm nệm" cho nền kinh tế, các chuyên gia kinh tế đang cố gắng phân tích xem liệu suy thoái kinh tế sẽ xảy ra như thế nào. Nỗi lo của các chuyên gia chủ yếu tập trung vào ảnh hưởng tiêu cực của thuế quan.

Hạ lãi suất có thể là không đủ

Theo một kịch bản được đặt ra, Tổng thống Donald Trump sẽ thực thi kế hoạch áp thuế quan 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9, kéo theo sự trả đũa từ Trung Quốc. Chi phí trực tiếp mà việc áp thuế này gây ra không phải là lớn nếu so với quy mô của kinh tế Mỹ hay Trung Quốc, nhưng sự bấp bênh gây ra bởi thương chiến leo thang sẽ gây áp lực lên hoạt động đầu tư, tuyển dụng lao động, và cuối cùng là tiêu dùng.

Một trong những mối lo lớn nhất vào lúc này là nếu Mỹ-Trung không sớm đạt một thỏa thuận "đình chiến" mới, thị trường sẽ tiếp tục xu hướng sụt giảm gần đây, các công ty sẽ trì hoãn hoặc hủy kế hoạch đầu tư.

Tiếp theo đó là thị trường việc làm sẽ bắt đầu xuống dốc mà người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng. Một dấu hiệu cảnh báo sớm đã được ghi nhận khi thị trường ô tô Trung Quốc đang trải qua đợt sụt giảm doanh số lần đầu tiên trong 2 thập kỷ.

Các ngân hàng trung ương sẽ giảm lãi suất và thậm chí trở lại với các gói nới lỏng định lượng (QE), nhưng đều có thể không đủ để cứu tăng trưởng, và các chính phủ có thể sẽ chậm trễ trong việc nới lỏng tài khóa.

Ở thời điểm hiện tại, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới còn chưa "dọn dẹp" xong những hệ quả chính sách của thời kỳ khủng hoảng và suy thoái cách đây 1 thập kỷ, nên dư địa để nới lỏng không có nhiều. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được dự báo có thể cắt giảm lãi suất trong tháng 9, dù lãi suất cơ bản đồng Euro hiện ở mức 0%.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thì vừa có đợt giảm lãi suất đầu tiên sau 6 năm vào tháng trước, nhưng được dự báo sẽ có thêm 2-3 đợt giảm nữa trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Ông Trump ngày 7/8 tiếp tục chỉ trích FED, gây sức ép đòi ngân hàng trung ương này phải hạ thêm lãi suất. FED "phải hạ lãi suất nhiều hơn và nhanh hơn, và phải dừng ngay việc thắt chặt định lượng ngớ ngẩn lại", ông Trump viết trên Twitter. "Sự thiếu năng lực thật là tồi tệ, nhất là khi mọi chuyện có thể giải quyết quá dễ dàng".

Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley dự báo rằng nếu Mỹ áp thuế quan 25% lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc trong thời gian 4-6 tháng, và Trung Quốc có hành động trả đũa, thì kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong vòng 3 quý.

Không chỉ Mỹ-Trung căng thẳng, mà quan hệ thương mại xấu đi giữa Nhật Bản với Hàn Quốc, cũng như mối quan hệ tương lai giữa Anh với Liên minh châu Âu (EU) cũng đang là những đám mây đen phủ bóng lên triển vọng kinh tế toàn cầu.

"Với thương chiến Mỹ-Trung khó sớm đi đến hồi kết, đang có rất nhiều áp lực suy giảm trong các dự báo của chúng tôi về tăng trưởng kinh tế Mỹ và thế giới", một báo cáo của ngân hàng Bank of America có đoạn viết.


An Huy

Theo VnEconomy

undefined