Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Kiềm chế lạm phát là mục tiêu quan trọng trong thời điểm này

12:00 | 06/04/2020

Lạm phát tăng lên, các gói hỗ trợ của Nhà nước lập tức giảm giá trị khi người dân phải chi trả nhiều hơn để đảm bảo cuộc sống còn doanh nghiệp phải gánh thêm nhiều chi phí trong khi hoạt động ngưng trệ.

Kiềm chế lạm phát là mục tiêu quan trọng trong thời điểm này
Từ ngày 01/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16 yêu cầu người dân trên toàn quốc thực hiện giãn cách xã hội; chỉ những hoạt động kinh doanh, sản xuất thiết yếu mới mới được mở cửa.
Sức khoẻ và tính mạng con người luôn phải đặt lên hàng đầu trong thời điểm này. Giống như một loạt các nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Iran... giãn cách xã hội là điều cần thiết và cấp bách để “bảo toàn nhân lực”.
Bài toán đặt ra để đạt được mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế vì thế trở nên thách thức hơn.
Thận trọng với những dấu hiệu suy thoái
Hiện tại, một số dấu hiệu của suy thoái đã xuất hiện trên thế giới. Theo dự báo của Standard & Poors, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống chỉ còn 0,4% trong năm nay, mức thấp chưa từng có trong gần 4 thập kỷ. Kinh tế Mỹ đứng bên bờ vực suy thoái: thất nghiệp đạt mức 3,2 triệu người cao gấp 5 lần con số kỷ lục vào tháng 10/1982, tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ giảm 2% (theo Moody's) và 3,8% (theo Goldman Sachs). Kinh tế châu Âu cũng sẽ chứng kiến nhiều biến động, chỉ riêng Đức tự ước tính thì họ có thể suy thoái từ 7 đến 11,2% trong 2020.
Tại Việt Nam, mặc dù tăng trưởng trong quý 1/2020 ở ngưỡng khả quan nhất trong khu vực (3,82%), tuy nhiên để tránh khỏi những tác động tiêu cực là không thể. Tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu giảm sâu so với cùng kì năm 2019; thặng dư thương mại từ khu vực FDI và trong nước thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây; thị trường chứng khoán biến động bất ngờ, và khối ngoại bán ròng liên tiếp.
Tất cả những hoạt động có thể thực hiện trên nền tảng số đang lên ngôi và có thời cơ phát triển trong giai đoạn này. Tuy nhiên, sự tương tác giữa con người là động lực để đẩy luồng hàng hoá, dịch vụ và dòng tài chính luân chuyển, đặc biệt ở một số lĩnh vực con người lại là chủ thể tiêu dùng chính và không thể thay thế được như hàng không, du lịch và các hoạt động dịch vụ.
Đối với Việt Nam, một nền kinh tế có tới 5 triệu hộ kinh doanh (theo số liệu của Tổng cục Thống kê) ước tính chiếm tới 30% GDP, chỉ tính riêng những đối tượng này chắc chắn không tránh khỏi những tổn thất nặng nề.
Không hoạt động kinh doanh đồng nghĩa với không lợi nhuận, mua bán các hàng hoá trung gian hoặc sản phẩm bổ trợ cho sản xuất. Một số chuỗi sản xuất thậm chí sẽ đứng trước nguy cơ bị đứt gãy.
Kìềm chế lạm phát là mục tiêu quan trọng
Trước những khó khăn và thực tiễn trên, một loạt các gói hỗ trợ nền kinh tế đã được Chính phủ tung ra, từ gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng, gói hỗ trợ tài khoá cho doanh nghiệp dự kiến hơn 180 nghìn tỷ đồng đến hơn 61,5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lao động chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.
Tuy nhiên để đảm bảo đời sống của người dân ổn định trong dịch bệnh và các gói hỗ trợ phát huy nguồn lực thì kiềm chế lạm phát ở mức thấp ít nhất là rất cần thiết trong ba tháng tiếp theo. Bởi lẽ, chỉ cần lạm phát tăng lên, các gói hỗ trợ của Nhà nước lập tức giảm giá trị khi người dân phải chi trả nhiều hơn để sinh tồn còn doanh nghiệp phải gánh thêm nhiều chi phí trong khi hoạt động ngưng trệ.
Trong quý I/2020, CPI bình quân tăng 5,56% so với cùng kì năm ngoái, trong đó một số mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tăng 13,21%, thịt lợn tăng 58,81%, rau tăng 4,14%, giá thuốc y tế, điện, nước sinh hoạt tăng 1,43%, 9,89% và 4,75%. Nếu tình hình tiếp tục diễn biến thì mọi nỗ lực đảm bảo an sinh cho người dân đều trở nên vô ích.
Việc quan trọng hiện nay là đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, thậm chí yêu cầu nhập khẩu để đưa giá nhu yếu phẩm xuống thấp. Như vừa qua, giá thịt lợn trong nước leo quá cao, buộc Chính phủ phải ra quyết định nhập khẩu mặt hàng này về để giảm giá ngoài thị trường. Tuy nhiên, theo phản ứng thực tế trên các phương tiện truyền thông thì giá thịt lợn thực tế đến tay người tiêu dùng vẫn chưa giảm được là bao nhiêu.
Hơn nữa, những giải pháp để thúc đẩy dòng luân chuyển của hàng hoá trong nước ra ngoài biên giới là điều rất cần thiết trong lúc này để đảm bảo sự sống còn của các thành phần trong chuỗi sản xuất và giúp nền kinh tế khỏi sự tê liệt.
* Tác giả bài viết là cán bộ dự án và nghiên cứu kinh tế của Viện Friedrich Naumann Foundation tại Việt Nam; tốt nghiệp xuất sắc Thạc sỹ Kinh tế phát triển tại Đại học Manchester, Vương Quốc Anh; có thời gian nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và một số công trình nghiên cứu độc lập.
Friedrich Naumann Foundation (FNF) là một tổ chức phi chính phủ của Đức, hoạt động tại Việt Nam từ năm 2012 với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế thị trường thông qua các dự án hợp tác, hoạt động đối thoại, hội thảo và trao đổi học thuật giữa Việt Nam và Đức.

HÀ LINH

Theo Bizlive

undefined