Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Hàng hóa châu Á gây tắc nghẽn các cảng của Mỹ đẩy chi phí vận tải tăng vọt

12:00 | 05/04/2021

Khi mà các cảng đang quá tải năng lực xử lý container, hàng chục tàu hàng container đang chờ ở ngoài khơi.

Việc hàng hóa nhập khẩu từ châu Á sang Mỹ tăng mạnh đã tạo ra tình trạng tắc nghẽn tại các cảng khu vực bờ Tây của nước Mỹ. Tình trạng này khiến cho vấn đề thiếu container ngày một tồi tệ hơn cũng như chi phí vận tải tăng cao.
Theo báo Nikkei, khối lượng hàng hóa container được xử lý tại các cảng Los Angeles và Long Beach, nơi cửa ngõ nhận hàng từ châu Á, tăng 45% trong tháng 2/2021 và tăng đến 8 tháng liên tiếp. Trong tháng 3/2021, khối lượng vận chuyển hàng hóa tại cảng Los Angeles tăng hơn 80%.
Khi mà các cảng đang quá tải năng lực xử lý container, hàng chục tàu hàng container đang chờ ở ngoài khơi. Hai cảng này xử lý khoảng 40% hàng hóa vận tải container của Mỹ, tuy nhiên cho đến nay đã không thể theo kịp tốc độ tăng trưởng về hàng hóa nhập khẩu khi mà người tiêu dùng Mỹ đang có nhu cầu chi tiêu mạnh tay số tiền kích cầu mà họ nhận được.
Việc người tiêu dùng Mỹ mạnh tay chi tiêu đã khiến cho nhập khẩu tăng ở mức độ kỷ lục, theo phân tích của giám đốc điều hành cảng Los Angeles, ông Gene Seroka.
Đại dịch Covid-19 cũng đã khiến cho nguồn nhân lực làm việc tại các cảng bị hao hụt. Ước tính khoảng 800 nhân viên làm việc tại hai cảng nói trên nhiễm virus corona trong tháng 2 và tháng 3/2021, chính vì vậy hoạt động xử lý các container nhập hàng càng khó khăn hơn.
Container vận chuyển hàng vốn đã thiếu nay lại còn thiếu hơn, ngoài ra chi phí vận tải tăng cao chóng mặt.
Cuối tháng 3/2021, chi phí vận tải hàng hóa từ Trung Quốc sang bờ Tây của nước Mỹ khoảng 5.000USD cho mỗi container 40 foot, theo tổ chức nghiên cứu thị trường Freightos tại Hồng Kông.
Giá vận tải hàng hóa như vậy tăng đến 250% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí vận chuyển hàng hóa từ châu Âu sang bờ Tây nước Mỹ hiện đã tăng gần gấp đôi.
Cùng lúc đó, việc tàu hàng tắc nghẽn ở California đang ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận doanh nghiệp. Hãng chuyên sản xuất đồ thời trang Nike có trụ sở tại bang Oregon Mỹ đã phải đương đầu với tình trạng giao hàng chậm trễ đến 3 tuần hoặc hơn.
Nike mới đây công bố doanh thu quý gần nhất ước tính tăng 3% so với cùng kỳ năm trước nhưng các dòng sản phẩm hàng đầu tại Bắc Mỹ lại có doanh số giảm 10%, nguyên nhân chính do gián đoạn nguồn cung.
Trung Quốc là một trong những nước đưa ra biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19 gắt gao hơn nhiều so với các nước khác. Cũng nhờ vậy, Trung Quốc sớm kiểm soát được đại dịch Covid-19 và sản xuất tại các nhà máy phục hồi nhanh. Trong khoảng thời gian Tết Nguyên đán tại Trung Quốc vào tháng 2/2021, giới chức Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại nhằm kiểm soát việc virus lây lan mạnh.
Rất nhiều người lao động nhập cư đã quyết định không về quê ăn Tết, chính vì vậy hoạt động tại các nhà máy được duy trì rất tốt.
Nhằm ứng phó với tình trạng chuỗi cung ứng bị gián đoạn, một số doanh nghiệp đã chuyển sang vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, chi phí vận chuyển bằng kênh này cao gấp từ 8 đến 10 lần so với vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, theo phó chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng và chính sách hải quan tại Liên đoàn bán lẻ Mỹ, ông Jon Gold.
Ông Gold cũng tin rằng chính người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu việc chi phí vận tải tăng lên này.

NHẬT ĐĂNG

Theo Bizlive

undefined