Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Giới nhà giàu và sự vươn lên của châu Á

12:00 | 15/03/2019

Hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng tăng, bất kể tài sản của giới tỷ phú USD đã hao hụt trong năm qua. Đáng lưu ý là trong khi giới nhà giàu của phương Tây chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực giúp xã hội phát triển, thì giới nhà giàu châu Á vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Giới nhà giàu và sự vươn lên của châu Á

Người giàu nghèo đi?

Danh sách tỷ phú USD 2019 do Forbes công bố gần đây cho thấy sự sụt giảm cả về số lượng lẫn giá trị tài sản lần thứ 2 trong thập niên qua, cho thấy ngay cả những người giàu nhất cũng không tránh khỏi những tác động từ sự suy yếu của nền kinh tế và thị trường chứng khoán.

Theo tính toán mới nhất của Forbes, thế giới chỉ còn 2.153 tỷ phú, giảm 55 người so với năm trước, trong đó có 994 người, tương đương 46% tài sản bị suy giảm.

Nhìn chung, tổng giá trị tài sản của giới siêu giàu còn 8.700 tỷ USD, giảm 400 tỷ USD so với năm 2018. Có 11% thành viên trong danh sách năm 2018, tương đương 247 người, đã bị rớt khỏi danh sách, đánh dấu mức giảm nhiều nhất kể từ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Tuy nhiên, một báo cáo khác của Oxfam - một liên minh quốc tế gồm 20 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại hơn 90 quốc gia với nỗ lực xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng, được công bố hồi cuối tháng 1 vừa qua, thời điểm trước khi diễn ra Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, cho thấy trong khi một nửa dân số nghèo nhất thế giới đang kiếm được ít hơn 5,50USD/ngày trong năm 2018, thì các tỷ phú thế giới đã chứng kiến sự giàu có của họ tăng thêm 900 tỷ USD, tương đương 2,5 tỷ USD/ngày.

Báo cáo cũng tiết lộ rằng số tỷ phú đã tăng gần gấp đôi kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, với một tỷ phú mới được tạo ra mỗi ngày từ năm 2017 đến 2018. Trên cơ sở tỷ lệ phần trăm, tài sản của nhóm người giàu nhất thế giới đã tăng 12% trong năm 2018, trong khi nhóm người nghèo nhất, lên đến 3,8 tỷ dân, đã sụt giảm 11% về tài sản.

Điều đáng nói là các cá nhân và công ty giàu có đang phải trả mức thuế thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Ví dụ, tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân cao nhất ở các nước giàu giảm từ 62% vào năm 1970 xuống còn 38% vào năm 2013, tỷ lệ trung bình ở các nước nghèo chỉ là 28%. Điều này đang ngày càng xoáy sâu vào hố ngăn cách giàu nghèo.

Chính vì vậy, nhiều tỷ phú phương Tây đã cam kết hiến tặng phần lớn gia sản để làm từ thiện và thay đổi xã hội như Bill Gates, Warren Buffet hay Mark Zuckerberg, Larry Ellison, Jeff Bezos, Larry Page, Carlos Sli... Ngược lại, các tỷ phú châu Á có khuynh hướng để lại tài sản thừa kế cho con nhiều hơn.

Sự vươn mình của châu Á

Theo báo cáo của Forbes, Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực sụt giảm nặng nề nhất, với số tỷ phú ít hơn 60 người so với năm 2018, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc giảm 49 người. Châu Âu, Trung Đông và châu Phi cũng giảm mạnh số tỷ phú. Riêng châu Mỹ khả quan hơn, nhờ kinh tế Brazil và kinh tế Mỹ phục hồi tích cực. Đây cũng  là hai khu vực duy nhất có số tỷ phú nhiều hơn so với năm 2018.

Dù chứng kiến số tỷ phú sụt giảm, nhưng báo cáo của Công ty Dữ liệu Wealth X công bố hồi đầu năm 2019 cho rằng số lượng người giàu châu Á dự kiến sẽ tăng nhanh nhất trong 5 năm tới, trong đó Hong Kong và Singapore có thể vẫn là trung tâm chính của giới nhà giàu.

Tuy nhiên, trong khi giới tỷ phú phương Tây thành công trong các lĩnh vực công nghệ, đầu tư hay các dịch vụ bán lẻ, có sức lan tỏa và góp phần phát triển xã hội thì ngược lại, giới siêu giàu của châu Á chủ yếu phất lên từ buôn bán bất động sản hoặc hoạt động trong các ngành công nghiệp, sản xuất truyền thống, thậm chí gây ô nhiễm môi trường, như thép, trong đó không ít người được cho thành công là nhờ vào lợi ích nhóm và tận dụng kẽ hở của thể chế để làm ăn, vun vén tài sản và gây thiệt hại cho xã hội.

Dù vậy, theo xu thế thì nhiều gia tộc giàu có tại châu Á đang tích cực đổ tiền vào các công ty khởi nghiệp công nghệ, nơi được coi là vùng trú ẩn an toàn khi nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu giảm tốc, khiến các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán không còn hấp dẫn.

Đáng lưu ý, trong danh sách của Forbes, Việt Nam có lượng người giàu tăng nhanh nhất trong 10 năm qua. Thật vậy, theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường New World Wealth, số lượng người giàu ở Việt Nam đã tăng 210% trong giai đoạn 2007 -2017 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng với tốc độ 200% trong 10 năm tiếp theo.

Phần lớn sự tăng trưởng đó đến từ sự tăng vọt giá trị tài sản ròng của các cá nhân sống trong nước. Theo báo cáo Wealth Report của hãng Knight Frank, có ít nhất 200 cá nhân có tài sản ròng cực cao tại Việt Nam, tăng đến 320% từ năm 2000 đến năm 2016. Trong danh sách tỷ phú của Forbes năm 2019 cũng xuất hiện thêm hai tỷ phú USD đến từ Việt Nam là ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh, bên cạnh 3 người đã có trong danh sách trước đó là ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Trần Bá Dương.


Lê Phan

Theo DNSG

undefined