Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Dịch bệnh chính là cơ hội tốt cho kinh tế nền tảng số

12:00 | 19/03/2020

Kinh tế nền tảng số đã khẳng định tính ưu việt của mình trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trong khi các mô hình kinh tế truyền thống gần như bị đóng băng do dịch Covid-19, cú sốc nguồn cung, sự biến động của cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc thì nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử lại đang không ngừng kiếm lời. Mới đây, Amazon đã dự tính tuyển thêm hơn 100.000 công nhân để tham gia đóng gói sản phẩm.

Tại Việt Nam, doanh số bán hàng online của một số siêu thị tại Hà Nội ước tính cũng tăng thêm 20% trong thời dịch. Nhiều chuyên gia đánh giá, nếu không tồn tại những sàn giao dịch điện tử như Tiki, Lazada, hoặc các kênh phân phối online thì có lẽ sẽ có nhiều hơn 3.000 doanh nghiệp đóng cửa chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội.

Các nền tảng kinh tế số vốn đã phát triển như một xu thế của kinh tế trên thế giới. Qua thực tiễn trong đợt dịch Covid-19 lại càng cho thấy nó đang mang lại một trải nghiệm rất hiệu quả cho các doanh nghiệp.

Dịch bệnh chính là một cơ hội tốt để kinh tế nền tảng số phát triển. Nó là một tác nhân quan trọng để thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin. Nếu ứng dụng công nghệ tốt có thể khẳng định giá trị của mình mạnh mẽ hơn trong giai đoạn hiện nay, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định tại toạ đàm chính sách "Hướng tới xây dựng một khuôn khổ pháp lý thích nghi với kinh tế nền tảng số" do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức.

Dịch bệnh chính là cơ hội cho kinh tế nền tảng số

Trưởng ban pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn

Ông Tuấn cho rằng, trong thời điểm này, việc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số và mở rộng sân chơi cho các nền tảng kinh tế số để đẩy nhanh luồng lưu thông của hàng hoá và dịch vụ trong thị trường tự do có thể sẽ mang lại hiệu quả tốt không kém gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng hay gói 30 nghìn tỷ đồng mà Chính phủ vừa tung ra.

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, kinh tế nền tảng số là một xu thế tất yếu của thế giới. Nếu không tham gia, Việt Nam sẽ đứng ngoài cuộc. Thực tế cũng cho thấy hiệu quả rất lớn của kinh tế số khi các doanh nghiệp sau khi chuyển đổi số thành công, năng suất đã tăng thêm khoảng 30%.

Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, dù muốn hay không thì do phòng bệnh nên các doanh nghiệp sẽ phải sử dụng nó thường xuyên hơn để làm việc. Đây cũng là bài học rút ra cho các doanh nghiệp để sau dịch bệnh có thể đẩy mạnh phát triển một cách bài bản.

Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng, thực tế việc chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp không hề đơn giản. Theo thống kê, số lượng các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công chỉ chiếm khoảng 50%.

Cần có chính sách để thích nghi với kinh tế số

Các nền tảng kinh tế số đã đặt nền móng cho những thành công đột phá của nhiều tên tuổi lớn như Google, Amazon, Uber, Airbnb hay eBay. Các hoạt động kinh tế - xã hội, từ giáo dục, chăm sóc y tế đến quản lý nhà nước cũng từng bước biến đổi.

Song, mặc dù tiếp cận với các nền tảng kinh tế từ rất sớm, nhưng ngay cả những nhà hoạch định chính sách từ châu Âu, Mỹ cũng gặp không ít những thử thách. Họ đối mặt với những hình thái công việc mới, những mô hình kinh doanh mới, hoàn toàn khác biệt với truyền thống.

Những biến động như vậy đã đang và sẽ còn diễn ra trên nhiều quốc gia, nếu các nền tảng kinh tế càng thâm nhập sâu vào đời sống kinh tế, trong khi các Chính phủ vẫn đang loay hoay với việc áp dụng hệ thống luật pháp cũ trên những hình thái kinh tế mới.

Việt Nam cũng không phải một ngoại lệ. Câu chuyện về cách thức ứng xử với taxi công nghệ bắt đầu từ năm 2014 và phải mất đến 6 năm cho đến khi Nghị định 10/2020 được ban hành và chính thức có hiệu lực từ 1/4 tới. Quy định này đến nay vẫn chưa hoàn toàn hết tranh cãi từ dư luận.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc Nhà nước cố gắng điều chỉnh hành vi của Grab, Be giống như Vinasun hay Mai Linh là không hợp lý vì Grab, Be không cố định giá và số lượng lao động trong ngắn hạn. Airbnb không thể bị quản lý như các dịch vụ lưu trú vì thực tế họ không sở hữu bất kì một cơ sở lưu trú nào. Tiki cũng hoạt động hiệu quả hơn một “siêu bách hoá tổng hợp” mặc dù họ chỉ sở hữu một lượng hàng hoá rất nhỏ trong đó.

Thực tế này cho thấy, việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý chuẩn thích nghi với kinh tế nền tảng số là vô cùng cần thiết. Hệ thống luật pháp điều hành các hoạt động kinh tế truyền thống không phù hợp để quản lý các nền tảng kinh tế số.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, kinh tế nền tảng số đang làm nảy sinh những quan hệ mới trên thị trường. Hệ thống pháp luật hiện nay cần có sự điều chỉnh kịp thời để tránh những rủi ro. Đơn cử như câu chuyện giữa Grab và taxi truyền thống, các cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế hợp lý để xử lý trường hợp này.

Nguyên nhân là do một số nền tảng số đang hoạt động dưới hình thức trung gian kết nối dựa trên nguồn lực về công nghệ chứ không thực sự sở hữu tài sản cố định tham gia vào các hợp đồng. Vậy nên câu hỏi đặt ra nếu hàng hoá/dịch vụ có vấn đề ai là người chịu trách nhiệm, ai là người nộp thuế và cấu trúc như thế nào? Cơ quan nào điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp? Bộ Thông tin và truyền thông liệu có liên quan? Các vấn đề này đều không thể giải quyết bằng hệ thống luật pháp hiện tại bởi định danh của các chủ thể chưa được làm rõ, ông Tuấn chỉ rõ.

Đưa ra một hướng quản lý mới cho các nền tảng số, ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ – ASEAN cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước nên quản lý các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số theo giao dịch.

Dịch bệnh chính là cơ hội cho kinh tế nền tảng số 1

Ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ – ASEAN

Với công nghệ hiện đại như hiện nay, các cơ quan quản lý hoàn toàn có thể quản lý các giao dịch của doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số. Với số lượng các giao dịch đó sẽ tính toán tỷ lệ hưởng lợi của các bên tham gia, từ đó lấy cơ sở để tính thuế, phí và quy trách nghiệm cho các bên liên quan dựa trên tỷ lệ phần trăm hưởng lợi.

Ví dụ như việc kinh doanh của Grab, hiện công ty này đang giữ lại 28% doanh thu trên mỗi cuốc chạy xe của tài xế, người chủ xe được hưởng số còn lại là 72%. Do đó, khi tính thuế, phí hoặc khi xảy ra rủi ro, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ chia trách nghiệm cho chủ doanh nghiệp và tài xế dựa trên tỷ lệ phần trăm họ nhận được.

Nếu quản lý các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số theo giao dịch như vậy sẽ đảm bảo công bằng giữa các bên tham gia và không phụ thuộc vào vị trí địa lý của các doanh nghiệp.

Đồng thời, vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc điều hành các nền tảng kinh tế số đòi hỏi các nhà quản lý tư duy bao quát trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ thông tin để nhận định đúng về các chủ thể và chức năng trong nền tảng số để quản lý một cách hiệu quả.


An Chi

Theo Theleader

undefined