Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Công nghệ - nạn nhân của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

12:00 | 18/03/2019

Những nỗ lực từ Washington nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ mới nhất của Mỹ đang gây sức ép lên dòng vốn đầu tư giữa hai nước, trong bối cảnh căng thẳng thương mại và công nghệ leo thang trong năm qua.

Công nghệ - nạn nhân của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Lượng đầu tư bắt đầu sụt giảm sau khi Tổng thống Donald Trump áp mức thuế lên gần một nửa số mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc.

Theo phân tích của các chuyên gia, nếu tiếp diễn, tình trạng bế tắc sẽ gây ra sự chia rẽ kéo dài xung quanh quá trình nghiên cứu và phát triển trong tương lai giữa các đại gia công nghệ, vốn là đối thủ của nhau, tại Thâm Quyến và Silicon Valley.

Dữ liệu mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường S&P Global Market Intelligence cho biết, dòng vốn từ các công ty Trung Quốc đổ vào phân khúc phần cứng và vật liệu bán dẫn của Mỹ đã giảm xấp xỉ 5 lần trong năm 2018, xuống còn 203,4 triệu USD từ 1,03 tỷ USD vào năm trước.

Cũng theo báo cáo, phần mềm và dịch vụ là 2 lĩnh vực công nghệ duy nhất có sự gia tăng đáng kể trong vốn đầu tư vào năm ngoái, chủ yếu nhờ khoản tiền 8 tỷ USD rót cho Uber từ một nhóm các công ty công nghệ, gồm cả gã khổng lồ Tencent.

Theo tờ South China Morning Post, lượng đầu tư bắt đầu sụt giảm sau khi Tổng thống Donald Trump áp mức thuế lên gần một nửa số mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc. Đồng thời, Quốc hội Hoa Kỳ cũng lên tiếng cảnh báo về hành vi thâu tóm công nghệ và cải tiến cơ sở sản xuất của Trung Quốc, đã được đề cập trong kế hoạch Made in China 2025. Được biết, sáng kiến này hướng đến mục tiêu tăng tỷ trọng sản phẩm nội địa của một số ngành công nghệ trọng yếu, trong đó có vật liệu bán dẫn và robot.

Đối phó tham vọng nói trên, Mỹ đã và đang tăng cường kiểm soát các thương vụ sáp nhập, đầu tư nước ngoài cũng như xây dựng những quy định mới nhằm hạn chế khả năng xuất khẩu công nghệ của các công ty Trung Quốc và nước ngoài. Bên cạnh đó, Mỹ đã ra lệnh cấm các cơ quan chính phủ mua thiết bị từ hai công ty viễn thông Trung Quốc là Huawei và ZTE.

Ngoài ra, chính quyền nước này cũng đang tiến hành các cuộc điều tra hình sự nhắm vào Huawei vì các cáo buộc gian lận tài chính và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Đồng thời, với việc Bắc Kinh siết chặt dòng vốn chảy ra nước ngoài - vốn là một phần của chiến dịch giảm bớt đòn bẩy tài chính được khởi xướng từ năm 2016, số lượng các quỹ đầu tư cũng vì thế mà giảm theo.

Được biết, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất lo ngại về những khoản đầu tư đến từ Trung Quốc. Hiện, chính quyền châu Âu đang tăng cường kiểm soát các thương vụ đầu tư xung quanh những lĩnh vực công nghệ nhạy cảm và cơ sở hạ tầng trọng yếu.

Theo một báo cáo gần đây của tập đoàn Rhodium và Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator, dòng vốn đầu tư từ các công ty Trung Quốc chảy vào Liên minh châu Âu đã giảm 40%, xuống còn 19,4 tỷ USD vào năm 2018. Ước tính, 82% thương vụ M&A của Trung Quốc tại châu  u vào năm ngoái sẽ phải đối mặt với sự kiểm soát gắt gao hơn từ chính quyền, thông qua những quy định mới dự kiến có hiệu lực trong 18 tháng tiếp theo.

"Các quy định gắt gao liên quan đến dòng vốn đầu tư từ nước ngoài nhiều khả năng chỉ là bước đầu của một chương trình cải tổ chính sách thương mại, đầu tư trên diện rộng của châu Âu với Trung Quốc", Thilo Hanemann, Mikko Huotari và Agatha Kratztác - 3 tác giả của bản báo cáo cho hay.

"Các cuộc tranh luận ở thời điểm hiện tại cho thấy, một số nhà lãnh đạo châu Âu có mong muốn/đang cân nhắc cải cách trong những lĩnh vực khác, bao gồm kiểm soát xuất khẩu công nghệ lưỡng dụng và mang tính trọng yếu, an ninh dữ liệu và quy định quyền riêng tư, cũng như quy tắc mua sắm và chính sách cạnh tranh", ba tác giả nói thêm.

Số lượng thương vụ thâu tóm từ cả phía Mỹ và Trung Quốc đều sụt giảm trong những năm qua.

Số lượng thương vụ thâu tóm từ cả phía Mỹ và Trung Quốc đều sụt giảm trong những năm qua.

Trước bối cảnh này, số vụ công ty Trung Quốc thâu tóm công ty công nghệ Mỹ vào năm ngoái đã giảm còn 11 thương vụ với trị giá 688,8 triệu USD, từ 33 thương vụ với trị giá 1,75 tỷ USD trong năm 2017, theo báo cáo từ công ty dữ liệu tài chính Refinitv. Tương tự, số vụ công ty Mỹ thâu tóm công ty Trung Quốc vào năm ngoái cũng giảm còn 10 thương vụ với trị giá 50 triệu USD, từ 14 thương vụ với trị giá 565,1 triệu USD trong năm 2017.

Được biết, trong năm 2018, Mỹ đã mở rộng quyền hạn của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ để đánh giá các thương vụ thâu tóm, cũng như hạ thấp hạn ngạch nhằm phục vụ công tác kiểm tra nguồn đầu tư nước ngoài vào một số ngành công nghiệp.

“Kết quả là, các quỹ đầu tư mạo hiểm Trung Quốc đang xây dựng chiến lược mới và hướng mục tiêu đến những thị trường khác. Chúng tôi dự đoán dòng vốn đổ vào Đức, Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản sẽ tăng trong tương lai”, bà Eleanor Olcott - chuyên gia phân tích chính sách Trung Quốc tại công ty nghiên cứu thị trường TS Lombard - nhận định.


Khởi Vũ


Theo DNSG





undefined