Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Chu kỳ kinh tế đang ở đâu?

12:00 | 22/02/2019

Chu kỳ kinh tế thể hiện tính lặp lại các giai đoạn của nền kinh tế qua thời gian, gồm phục hồi, tăng trưởng, giảm tốc và suy thoái.

Dù Chính phủ có thể sử dụng các công cụ, chính sách để can thiệp và cố gắng thay đổi, nhưng quá khứ cho thấy mọi thứ luôn diễn ra theo đúng chu kỳ, chỉ khác nhau về mặt thời gian có kéo dài hay rút ngắn lại hay không ở mỗi giai đoạn.

Tương ứng với mỗi giai đoạn sẽ là những dấu hiệu nhận biết, thông qua các biến số vĩ mô như tăng trưởng, lạm phát, chính sách tiền tệ hay diễn biến của thị trường chứng khoán. Trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi, lạm phát giảm dần trong khi tăng trưởng có dấu hiệu đi lên trở lại nhờ vào các biện pháp kích thích kinh tế. Lãi suất thị trường trong giai đoạn này cũng giảm theo lạm phát. Những yếu tố trên là cơ sở kéo thị trường chứng khoán bắt đầu tăng trở lại.

Trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, có thể chia ra làm 2 thời kỳ là tiền tăng trưởng và hậu tăng trưởng, với những dấu hiệu cũng khác nhau. Nếu giai đoạn tiền tăng trưởng chứng kiến lạm phát ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế cao, các chính sách kích thích cũng giảm dần thì giai đoạn hậu tăng trưởng sẽ bắt đầu ghi nhận lạm phát và lãi suất đi lên trở lại, các chính sách cũng chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt để ưu tiên ổn định, theo đó giá cổ phiếu cũng bị ảnh hưởng và điều chỉnh quanh vùng đỉnh.

Ở giai đoạn giảm tốc, lạm phát tiếp tục tăng và tăng trưởng suy yếu, lãi suất cũng có dấu hiệu chạm đỉnh trong khi giá cổ phiếu tiếp tục rớt, điều này buộc nhà điều hành phải lựa chọn giảm bớt tình trạng thắt chặt trong chính sách để giảm sốc cho nền kinh tế và các thị trường. Trong một số trường hợp, những chính sách can thiệp của Nhà nước có thể kéo dài thêm giai đoạn giảm tốc và cũng có những thời điểm giúp nền kinh tế hiếm hoi bật trở lại, tuy nhiên cuối cùng rồi cũng sẽ rơi vào giai đoạn kế tiếp.

Và cuối cùng thời kỳ suy thoái kinh tế sẽ chứng kiến lạm phát chạm đỉnh, tăng trưởng GDP có thể ở mức âm, do đó chính sách sẽ chuyển sang hoàn toàn nới lỏng trở lại để kích thích kinh tế phục hồi. Do đó lãi suất cũng liên tiếp được điều chỉnh giảm để kích cầu tiêu dùng và khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm vực dậy nền kinh tế. Thông thường thị trường chứng khoán sẽ chạm đáy trong giai đoạn này có dấu hiệu tăng trở lại vào cuối chu kỳ suy thoái, khi các nhà đầu tư kỳ vọng phía trước sẽ là giai đoạn phục hồi trở lại.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2018 đã đạt kỷ lục cao nhất trong 10 năm, lạm phát tuy dưới mục tiêu đặt ra 4% nhưng đã có dấu hiệu tăng trở lại, đặc biệt trong năm nay sẽ chịu thêm áp lực từ việc điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục cũng như trước ảnh hưởng giá dầu và thực phẩm tăng. Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những bước đi thắt chặt đầu tiên, với việc kiềm chế tăng trưởng tín dụng và đặt mục tiêu thấp hơn cho năm nay. Mặt bằng lãi suất sau thời kỳ tạo đáy và ổn định ở mức thấp đã có xu hướng đi lên trở lại từ quý 4/2018.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán sau khi đạt đỉnh cao trong 4 tháng đầu năm 2018 thì đã bước vào giai đoạn điều chỉnh kể từ đó đến nay. Dù có những thời điểm bật lại nhưng một xu hướng giảm giá đang dần hình thành, với đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước và đáy sau thấp hơn đáy trước. Chính vì vậy, nhiều tổ chức cho rằng Việt Nam đang dần bước qua thời kỳ hậu tăng trưởng, do đó các nhà đầu tư cần cẩn trọng với các quyết định đầu tư của mình trong giai đoạn tới, vốn được dự báo sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Gia Lê
Theo DNSG

undefined