Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Câu chuyện “Made in Vietnam” và điều gì sau cùng quan trọng hơn cả xuất xứ?

12:00 | 18/07/2019

Người sản xuất có thể sản xuất nhưng người tiêu dùng có quyền lựa chọn, nếu không đảm bảo chất lượng thì không bán được…

Câu chuyện “Made in Vietnam” và điều gì sau cùng quan trọng hơn cả xuất xứ?

Kết quả cuối cùng của cuộc kiểm tra, rà soát liên quan đến thông tin xuất xứ sản phẩm của CTCP Điện tử Asanzo Việt Nam vẫn chưa được đưa ra. Trong lúc này, một lần nữa vấn đề thế nào là “Made in Vietnam” lại được đặt ra, đặt biệt trong bối cảnh cho đến giờ chúng ta chưa có quy định xác định hàng hoá như thế nào được gọi là hàng của Việt Nam, hàng “Made in Vietnam”.

Quy định xuất xứ chặt chẽ hay lỏng lẻo đều có rủi ro

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cho biết, việc dán nhãn “made in” ở đâu vẫn là doanh nghiệp tự nguyện và có sự tuỳ biến, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chưa thể thống nhất về nội dung này bởi nếu làm chặt chẽ hay lỏng lẻo thì sau cùng vẫn có rủi ro là có nhiều ngành hàng sẽ chết, hiện Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo quy định xuất xứ hàng hoá Việt Nam.

Quan điểm được vị này nêu ra là có mặt hàng giá trị gia tăng ít nhưng doanh nghiệp có rất nhiều cơ hội để làm ra nhãn hiệu bán nhanh, nhiều, giá rẻ nên cần đặt ra quy tắc xuất xứ như thế nào đừng quá quan trọng có bao nhiêu nguyên liệu đến từ đâu mà cần nhớ công đoạn gia công cuối cùng là ở Việt Nam, đặc biệt với ngành hàng linh kiện, điện tử.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam – EU (EVFTA) đều quy định xuất xứ rất linh hoạt, gần như cho phép toàn bộ nguyên liệu có thể nhập ở bên ngoài, thậm chí cho nhập từ bất kỳ đâu với hàng điện tử, ô tô, máy móc, động cơ được kết nối từ hàng trăm linh kiện rời khác nhau, chỉ cần chứng minh mã HS đã được chuyển đổi.

Đề cập đến Asanzo, vị chuyên gia này cho biết, bản thân không phải khách hàng của Asanzo và không “bênh” doanh nghiệp này, chỉ trao đổi một cách kỹ thuật và quan điểm cá nhân. “Doanh nghiệp nhập khẩu đến 90% linh kiện, thậm chí 100% nhưng bán với độ phủ lớn, có thể lên đến hơn 90% trong khi so sánh với doanh nghiệp có thể làm 100% nhưng độ phủ chỉ 5% thị trường, từ góc độ kinh tế như thế nào? Lạm dụng lòng yêu nước, gắn người Việt Nam phải ưu tiên hàng Việt Nam, các nhà kinh tế học không khuyến khích, việc cạnh tranh không phân biệt hàng nhập khẩu, nội địa có như vậy các nhà sản xuất Việt Nam mới lớn được, người dùng mới tiếp cận nhiều hàng hoá, nhiều giá cả khác nhau”, vị này nói.

Lấy một dẫn chứng về một sản phẩm điều của một doanh nghiệp trong nước, bà cho biết, chủ doanh nghiệp này đã lấy giống tốt nhất ở Bình Phước, đưa các nhà khoa học ở Việt Nam sang Thái Lan lấy giống tốt nhất ở đây ghép, đưa vào phòng thí nghiệm phối và sinh ra cây con, cây con tốt nhất trồng ở Campuchia. Khi thu hoạch điều, điều thô từ Campuchia sẽ được chuyển về nhà máy ở Bình Phước làm công đoạn rang, chế biến, bóc tách và phân loại điều to nhỏ, thành phẩm cuối cùng đang bán ở Việt Nam.

“Sản phẩm này là sản phẩm gì? Công đoạn cuối cùng diễn ra ở Việt Nam là rang ở Bình Phước còn cây điều trồng ở Campuchia, giống bố mẹ ở phòng thí nghiệm Thái Lan, nhưng hàm lượng chất xám này nhiều và là của người Việt Nam, không thể lượng hoá được đối với sản phẩm này”, vị chuyên gia nói.

Một ví dụ khác cũng liên quan đến sản phẩm điều, bà cho biết, khi xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ theo quy định CPTPP điều thô được nhập ở bất kỳ đâu và chỉ cần chứng minh công đoạn gia công cuối cùng ở Việt Nam, rất lỏng và linh hoạt, tính đến chuỗi cung ứng cấp độ toàn cầu.

“Hiện điều Việt Nam xuất khẩu có đến 50% là nhập khẩu điều thô từ châu Âu, châu Phi bởi châu Phi là cường quốc sản xuất điều nhưng không có các hiệp định thương mại tự do với các thị trường lớn nên xuất trực tiếp thuế cao. Ai làm được gì giỏi nên để họ làm”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

“Cần có sự cân bằng, cái sau cùng là chất lượng”

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề: Thế nào là “Made in Vietnam” diễn ra sáng nay (17/7), ông Trần Ngọc Trung, Cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker & McKenzie cho biết, đến hiện tại, cơ quan quản lý chỉ chú trọng xuất xứ với hàng xuất khẩu nhập khẩu có hưởng ưu đãi thuế hay không còn vấn đề hàng sản xuất bán trong nước cơ quan quản lý không yêu cầu.

Ông Trần Ngọc Trung, Cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker & McKenzie (ngoài cùng bên trái)

“Việt Nam đã hội nhập, quy định đặt ra để “Made in Việt Nam” nếu chặt sẽ không xác định được, nếu lỏng quá sẽ đặt ra vấn đề chất lượng có đảm bảo hay không.  Dưới góc độ luật, cần có sự cân bằng, cái sau cùng cần tập trung chất lượng. Thay vì chỉ tập trung vấn đề xuất xứ, cơ quan quản lý phải song hành chất lượng và nguồn gốc vì xuất xứ không điều chỉnh được chất lượng”, ông Trung nói.

Trở lại câu chuyện Asanzo, ông Trung cho biết, Asanzo phát triển mạnh, quy mô, nếu lừa dối khách hàng sẽ không phát triển được như vậy, bởi vì người sản xuất có thể sản xuất nhưng người tiêu dùng có quyền lựa chọn, nếu không đảm bảo chất lượng thì không bán được.

“Với các sản phẩm bị gọi là “gian lận xuất xứ” liệu chất lượng sản phẩm có kém hay không? Nếu dưới góc độ xuất xứ là vi phạm nhưng cần tính tới chất lượng, sau cùng với người tiêu dùng vẫn là chất lượng”, ông Trung khẳng định.

Theo thông tin mà đại diện Asanzo đưa ra mới đây, bảng mạch chính của tivi là Asanzo tự thiết kế đặt hàng sản xuất nước ngoài cho smart tivi và tivi thường. Sản phẩm không đơn giản là mua vài khối linh kiện về ráp lại.

Trước đó, Asanzo cũng phân trần về quy trình lắp ráp, kiểm soát chất lượng và bảo hành tivi mang thương hiệu Asanzo được tư vấn và chuyển giao công nghệ bởi các chuyên gia Nhật Bản cách đây 5 năm.

Việc chọn thị trường ngách ở các vùng nông thôn hay miền tây sông nước, buộc hãng phải có ý tưởng chiếc tivi chạy được trên nguồn điện thế yếu, có giao diện dễ sử dụng và giá cả phù hợp. Để đáp ứng điều này, Asanzo tự thiết kế nhiều phần trong sản phẩm.

Liên quan đến thông tin xuất xứ sản phẩm, Asanzo đang chờ các cơ quan chức năng xác minh sự việc trong khi đó, các đối tác e ngại đòi tiền, kho bãi treo, việc làm của 2.000 công nhân đang bị ảnh hưởng.


Nguyễn Thảo

Theo Bizlive

undefined