Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Cắt giảm thuế FTA nhưng Việt Nam không lo giảm thu ngân sách

12:00 | 13/12/2019

Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, mặc dù Việt Nam phải cắt giảm nhiều dòng thuế quan khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do nhưng không lo giảm thu ngân sách.

Không lo giảm thu ngân sách khi cắt giảm thuế FTA

Chiều ngày 12/12, Bộ Tài chính tổ chức họp báo về việc cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam.

Theo đó, có nhiều băn khoăn về việc Việt Nam sẽ phải cắt giảm nhiều dòng thuế quan khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do, dẫn đến số thu thuế nhập khẩu giảm và giảm thu ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan khẳng định, riêng đối với ngành hải quan không chỉ phụ thuộc vào số thu từ thuế xuất nhập khẩu mà còn có các khoản thu khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường và một số thuế nhập khẩu bổ sung, thuế chống bán phá giá…

"Vì vậy, khi cắt giảm thuế suất theo các FTA thì chỉ cắt giảm thuế nhập khẩu còn các sắc thuế khác vẫn thực hiện theo quyết định hiện hành. Ví dụ như có những mặt hàng chỉ có 1 sắc thuế, khi thuế nhập khẩu bằng 0 thì vẫn còn thuế VAT, còn có mặt hàng vừa có thuế nhập khẩu vừa có thuế VAT. Cũng có mặt hàng có cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT như mặt hàng máy lạnh", ông Hùng dẫn chứng.

Đại diện Tổng cục Hải quan cũng thông tin thêm, theo số liệu của ngành hải quan, năm 2018, khi tham gia các FTA, thuế nhập khẩu của Việt Nam đã giảm 29.000 tỷ, trong 11 tháng năm 2019, thuế nhập khẩu giảm 13.000 tỷ. Bên cạnh đó, tỷ trọng thuế nhập khẩu trong số thu của ngành Hải quan cũng giảm dần.

Năm 2017, tỷ trọng thuế nhập khẩu trong tổng số thu của ngành hải quan là 21,85%, năm 2018, con số này là 17,4%, đến năm 2019 giảm xuống chỉ còn 16,7%.

Tuy nhiên, số thu của ngành hải quan về giá trị tuyệt đối vẫn tăng. Cụ thể, năm 2018, thu được 314.000 tỷ, năm 2019 dự báo thu được 340.000 tỷ.

"Việc tăng các khoản thuế còn phụ thuộc vào kim ngạch xuất nhập khẩu, các biện pháp chống thất thu thuế của ngành hải quan. Toàn bộ số thu của ngành Hải quan thuộc về ngân sách Trung ương, số thu có giảm nhưng tổng số thu thì lại không giảm", ông Hùng khẳng định.

Trong khi đó, ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), cho biết thêm, dù tỷ trọng thuế nhập khẩu giảm nhưng phần thu nội địa có gia tăng hàng năm nhờ tái cơ cấu ngân sách.

Còn với băn khoăn việc tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm, dù có các FTA, ông Tùng cho rằng, tổng thể tác động nhiều yếu tố trong đó có cả bối cảnh quốc tế thị trường, tác động các hiệp định thương mại này có một phần… Việt Nam nhập siêu lớn từ khu vực Đông Á nhưng xuất siêu lớn sang châu Âu, Mỹ.

"Việt Nam cũng đã chủ động đàm phán với các đối tác có lợi thế về xuất khẩu  như EU, Hoa Kỳ khai thác lợi thế tiềm năng", ông Tùng nói.

Sắp hoàn thành lộ trình xoá bỏ thuế với nhiều nước

Cũng tại buổi họp báo, bà Trần Thị Thu Huyền, Trưởng phòng, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, tổng số hiệp định thương mại Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán là 20 Hiệp định, trong đó 12 Hiệp định đang thực thi, 2 Hiệp định có hiệu lực trong năm 2019, 2 hiệp định đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã kết thúc đàm phán lời văn của 20 chương và kết thúc cơ bản các vấn đề mở cửa thị trường (trừ Ấn Độ) và 3 hiệp định đang đàm phán.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 12 Nghị định về các biểu thuế ưu đãi cho các đối tác trong 12 hiệp định này cho giai đoạn 2018 - 2022/2023.

Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế vào năm 2018.

Các Hiệp định đang tiến gần tới năm hoàn thành lộ trình xóa bỏ thuế gồm ASEAN - Trung Quốc (2020), ASEAN - Hàn Quốc (2021), ASEAN - Australia - Newzealand (2022) đạt tỷ lệ tự do hóa cao, khoảng 90% vào năm 2019.

Cùng kết thúc lộ trình vào năm 2029, tỷ lệ tự do hóa năm 2019 của Việt Nam trong FTA Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt 85,63%, trong khi tỷ lệ này trong FTA Việt Nam - Chi-lê mới chỉ đạt 31,73%.

Còn lại, các Hiệp định đạt tỷ lệ tự do hóa trung bình khoảng 60% trong năm 2019 như ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi-lê, Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Trong số 12 hiệp định đang thực hiện, CPTPP là Hiệp định mới nhất được thực thi của Việt Nam.

Theo đó, về cam kết thuế xuất khẩu trong Hiệp định CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu, cơ bản theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Một số nhóm mặt hàng quan trọng (như than đá, than non, dầu thô, vàng,...) được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.

Về cam kết thuế nhập khẩu trong Hiệp định CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, trong đó, 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.

Ngoài cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình, Việt Nam và các nước thành viên CPTPP cam kết miễn thuế đối với các trường hợp như hàng hóa tái nhập khẩu sau khi được sửa chữa hoặc thay thế…

Hàng tạm nhập khẩu để sửa chữa hoặc thay thế mà không thay đổi đặc tính cơ bản của sản phẩm; hàng mẫu thương mại có giá trị không đáng kể và ấn phẩm quảng cáo; hàng tạm nhập là các thiết bị chuyên ngành;... container bất kể xuất xứ từ đâu, đang hoặc sẽ được dùng để vận chuyển hàng hóa trong giao thông quốc tế.

Các giao dịch điện tử, bao gồm các nội dung được truyền đưa bằng phương thức điện tử cũng được miễn thuế nhập khẩu.


Duyên Duyên

Theo VnEconomy

undefined