Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Các biện pháp kiểm soát chặt chẽ khiến kinh tế Trung Quốc suy yếu

12:00 | 16/09/2021

Các biện pháp kiểm soát biến chủng delta khiến cho doanh số bán lẻ sụt giảm, chi tiêu vào dịch vụ đi xuống khi mà nhiều người ngừng ra ngoài mua sắm, ăn uống cũng như hủy các kỳ nghỉ.

Kinh tế Trung Quốc suy yếu hơn nữa trong tháng 8/2021 sau khi các biện pháp kiểm soát virus corona được áp dụng khiến cho tiêu dùng cá nhân và hoạt động đi lại suy giảm, như vậy triển vọng kinh tế của Trung Quốc suy yếu đi ở thời điểm mà các biện pháp kiểm soát trên thị trường bất động sản đang bắt đầu gây ra tác động tiêu cực.
Theo Bloomberg, tăng trưởng doanh số bán lẻ giờ đã chững lại chỉ còn 2,5%, Cơ quan Thống kê Quốc gia cho hay. Mức tăng trưởng này thấp hơn rất nhiều so với dự báo 7% của các chuyên gia. Sản lượng công nghiệp tăng trưởng 5,3%, thấp hơn so với dự báo 5,8%.
Đầu tư vào tài sản cố định trong 8 tháng đầu năm nay đúng với kỳ vọng, mức tăng trưởng ghi nhận 8,9%. Tỷ lệ thất nghiệp không thay đổi và duy trì ở mức 5,1%.
Thậm chí ngay cả trước khi biến chủng delta bắt đầu lây lan từ cuối tháng 7/2021, người tiêu dùng vốn đã trở nên thận trọng trong chi tiêu, chi tiêu của người dân hiện chưa thể trở lại ngưỡng trước đại dịch COVID-19. Gần đây, các biện pháp siết chặt chính sách trên thị trường bất động sản và giáo dục đã gây áp lực lên tâm lý của người tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại Nomura Holdings, ông Lu Ting, nhận xét: “Cho đến nay, thị trường đã đánh giá quá thấp mức độ suy giảm của tăng trưởng trong nửa sau năm nay. Giới chức Trung Quốc vẫn tiếp tục với chiến lược chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn phục vụ cho mục tiêu dài hạn. Ngoài ra, họ cũng sẽ vẫn tiếp tục với mục tiêu hạn chế trên thị trường bất động sản và hạn chế sản lượng của một số loại hàng hóa công nghiệp nhằm đáp ứng các mục tiêu chống ô nhiễm”.
Khi mà các rủi ro kinh tế đang lớn dần, các nhà hoạch định chính sách kinh tế đang đẩy mạnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ đồng thời cam kết sử dụng tốt hơn kênh trái phiếu chính phủ. Nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng với các ngân hàng trong những tháng tới sau khi đưa ra quyết định này vào tháng 7/2021.
Các biện pháp kiểm soát biến chủng delta khiến cho doanh số bán lẻ sụt giảm, chi tiêu vào dịch vụ đi xuống khi mà nhiều người ngừng ra ngoài mua sắm, ăn uống cũng như hủy các kỳ nghỉ. Ngành dịch vụ tháng 8/2021 suy giảm lần đầu tiên tính từ đầu năm 2020, theo kết quả các cuộc khảo sát sức mua mới đây.
Dù rằng tính đến hiện tại, giới chức Trung Quốc đã kiểm soát được đợt bùng dịch vào cuối tháng 7/2021, chủng virus mới đã phát triển ở miền Nam Trung Quốc trong tháng này, như vậy người tiêu dùng sẽ có thêm lý do để thận trọng hơn nữa.
Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại công ty chứng khoán Macquaire, ông Larry Hu, khẳng định dù tiêu dùng sẽ có thể hồi phục lại trong tháng 9/2021, nền kinh tế sẽ vẫn đương đầu với xu thế suy giảm trong vài quý tới. Ông Hu cho rằng: “Chính sách cần được nới lỏng thêm chút nữa thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ nhanh hơn cũng như cấp thêm hạn mức tín dụng, tuy nhiên hiện vẫn còn quá sớm để họ nới lỏng kiểm soát với bất động sản và nợ của các địa phương”.
Còn theo tổ chức tài chính NBS, dù rằng kinh tế Trung Quốc phục hồi trong tháng 8/2021, môi trường quốc tế vẫn còn nhiều phức tạp, tác động từ các đợt bùng dịch nội địa và thảm họa thiên nhiên lên nền kinh tế đã chững lại. Vì vậy có lý do để tin từ thời gian tới, quá trình kinh tế phục hồi sẽ trở nên vững vàng hơn.
Đầu tư xây dựng chịu cú sốc khi mà chính phủ đều đặn siết chặt các biện pháp kiểm soát trên thị trường bất động sản nhằm giảm bớt rủi ro tài chính. Đầu tư vào ngành xây dựng trong 8 tháng đầu năm nay giảm đến 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng đầu tư vào bất động sản chững lại chỉ còn 10,9% còn doanh số bán bất động sản cũng suy yếu.

NHẬT ĐĂNG

Theo Bizlive

undefined