Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

WB nêu 3 khuyến nghị về quản lý, chia sẻ dữ liệu số cho Việt Nam

12:00 | 21/03/2019

"Chia sẻ dữ liệu là một trong những nền tảng quan trọng nhất của bất kỳ chính phủ điện tử nào", ông Achim Fock, Giám đốc điều phối danh mục và Hoạt động dự án, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh, đồng thời nêu khuyến nghị về quản lý, chia sẻ dữ liệu số cho Việt Nam.

Ông Achim Fock, Giám đốc điều phối danh mục và Hoạt động dự án của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Tại hội thảo "Chính sách, quản lý chia sẻ dữ liệu số: Vấn đề đặt ra và kinh nghiệm quốc tế" do Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Ngân hàng Thế giới và Cơ quan phát triển quốc tế Úc tổ chức ngày 20/3 tại Hà Nội, Achim Fock nhận định, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng nền tảng để phát triển chính phủ điện tử.

Như Nghị quyết mới được thông qua về phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2025 đã tái khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc theo đuổi con đường phát triển này.

Vị Giám đốc điều phối danh mục và Hoạt động dự án của WB đưa ra 3 khuyến nghị về cơ chế pháp lý liên quan đến chia sẻ dữ liệu.

Thứ nhất, sự cụ thể về quy mô và mục tiêu của luật quy định về chia sẻ dữ liệu. Chính sách về chia sẻ dữ liệu phải cụ thể hoá những dữ liệu công nào của cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ được chia sẻ; cơ quan nào chịu trách nhiệm chia sẻ và chia sẻ dữ liệu cho ai.

Chính sách này sẽ thay đổi tư tưởng và văn hoá của các cơ quan chính phủ về chia sẻ dữ liệu như: sở hữu dữ liệu, bảo vệ dữ liệu, quản lý dữ liệu, do đó luật quy định về chia sẻ dữ liệu càng rõ ràng sẽ hỗ trợ các công chức chính phủ thực thi luật này tốt hơn.

Thứ hai, chính sách về chia sẻ dữ liệu chính phủ cần tạo ra một cơ chế kiểm soát và đánh giá chi tiết và rõ ràng mới có thể đo lường được việc triển khai chính sách, phát hiện ra những nút thắt cổ chai hay những vấn đề trong chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan. Cơ chế kiểm soát và đánh giá rõ ràng được hỗ trợ bởi sự tiến bộ của công nghệ, đưa ra các yêu cầu về dữ liệu và việc giải quyết những yêu cầu này có thể dễ dàng được theo dõi dấu vết.

Thứ ba là năng lực chia sẻ dữ liệu. Mục tiêu cuối cùng của chính sách chia sẻ dữ liệu của chính phủ chính là dữ liệu được chia sẻ thông suốt giữa các cơ quan chính phủ và với xã hội, do đó cần tập trung hình thành và cải thiện năng lực cả về quản lý và công nghệ của các cơ quan chính phủ. Đồng thời việc nâng cao năng lực chia sẻ dữ liệu sẽ giúp cho việc triển khai tốt hơn và đưa những thay đổi bắt buộc này hướng đến sự chia sẻ dữ liệu chính phủ nhiều hơn nữa trong hệ sinh thái dữ liệu quốc gia.

Ở góc độ nhà quản lý, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, thời gian qua, vấn đề kết nối, chia sẻ dữ liệu đã được đề cập rất nhiều trong các báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương, trong đó đã đề cập rất nhiều khó khăn, bất cập từ hạ tầng kỹ thuật đến hành lang pháp lý…

Theo ông, khi đã chia sẻ dữ liệu, cần phải bàn đến việc sử dụng các dữ liệu được chia sẻ thế nào sao cho hiệu quả nhất trong công việc. Phải làm sao gia tăng và khai thác tối đa được giá trị của dữ liệu. Trao đổi dữ liệu phải thông suốt, dữ liệu phải đến được những nơi cần nó, dữ liệu phải phù hợp, sử dụng được và đáng tin cậy cho người dùng.

Ngoài ra, trong quá trình chia sẻ dữ liệu, dữ liệu phải được bảo đảm về tính riêng tư, bảo mật. Cơ quan nhà nước cũng cần phải có giải pháp để đánh giá được hiệu quả các phương án chia sẻ dữ liệu, theo dõi được mức độ chia sẻ, tần suất sử dụng dữ liệu được chia sẻ thế nào để đảm bảo hiệu quả.

"Hành lang pháp lý về chia sẻ cần đủ rộng, có tầm nhìn để tạo tiền đề cho vấn đề dữ liệu mở. Dữ liệu không chỉ được chia sẻ trong các cơ quan nhà nước để thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử mà còn cần được cung cấp ra xã hội, phục vụ sự phát triển chung của xã hội", ông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.

Thủy Diệu
Theo VnEconomy

undefined