Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

"Việt - Nhật đang trong giai đoạn phát triển đẹp nhất 45 năm qua"

12:00 | 19/09/2018

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường chia sẻ với Thời báo Kinh tế Việt Nam về quan hệ Việt Nam- Nhật Bản nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường.

Năm 2018 là năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, xin Đại sứ đánh giá tổng quát về sự phát triển kinh tế - thương mại trong quan hệ hai nước trong 45 năm qua?

Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973, đến nay đúng tròn 45 năm. Trong 45 năm đó, đặc biệt là từ kể từ khi Việt Nam bắt đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện năm 1986 đến nay, quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã có sự phát triển vượt bậc và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trở thành một "điểm sáng" trong việc triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Nói về các thành tựu đã đạt được trong quan hệ hai nước thì chắc là sẽ rất dài, tôi chỉ xin nêu một số điểm chính sau đây:

Trong suốt mấy chục năm qua Nhật Bản luôn sát cánh, tích cực hỗ trợ sự nghiệp đổi mới và hội nhập của Việt Nam. Lãnh đạo Nhật Bản nhiều lần khẳng định một nước Việt Nam phát triển và ổn định, có vai trò và vị thế lớn hơn trong khu vực là phù hợp với lợi ích của Nhật Bản.

Nhật Bản là nước G7 đầu tiên đã đón Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1995), cũng là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ "Đối tác chiến lược" với Việt Nam (2009). Đồng thời, Nhật Bản là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam (2011) và cũng là nước G7 đầu tiên mời lãnh đạo Việt Nam tham dự Diễn đàn G7 mở rộng (2016).

Nhật Bản luôn là đối tác quan trọng hàng đầu về kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam, có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam với tư cách là nhà tài trợ viện trợ phát triển ODA lớn nhất (từ 1992 đến nay đạt xấp xỉ 30 tỷ USD), nhà đầu tư lớn thứ hai (với gần 4.000 dự án, tổng số vốn cam kết 55,4 tỷ USD), và đối tác du lịch lớn thứ ba (800.000 lượt du khách Nhật Bản tới Việt Nam năm 2017) và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (33,5 tỷ USD năm 2017).

Chúng ta biết rằng ODA của Nhật Bản tại Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, năng lượng, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu... đều là những dự án trọng điểm quốc gia của Việt Nam. Nhiều công trình giao thông huyết mạch tại các địa phương khác nhau được xây dựng bằng ODA của Nhật Bản đã góp phần làm thay đổi bộ mặt, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương ta.

Đơn cử như ở tỉnh Thái Nguyên, trong mấy chục năm trước đây chỉ thu hút được hơn 100 triệu USD đầu tư nước ngoài, nhưng sau khi con đường cao tốc 61km nối liền Thái Nguyên với Hà Nội được khánh thành tháng 1/2014 bằng vốn ODA của Nhật Bản thì ngay lập tức đầu tư nước ngoài vào Thái Nguyên tăng vọt lên hơn 7 tỷ USD; rồi từ một tập đoàn đa quốc gia là Samsung nhảy vào đã lập tức kéo theo các công ty, nhà máy sản xuất linh kiện hỗ trợ lấp đầy mấy khu công nghiệp liền, và kết quả là tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân 3 năm (2015-2017) của Thái Nguyên đạt trên 14%, thu ngân sách hàng năm tăng 25,2%...

Trong nhiều năm qua, Nhật Bản đã tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai chiến lược công nghiệp hóa, cũng như triển khai sáng kiến chung giữa hai nước về cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam. Từ năm 2014 đến nay, hợp tác nông nghiệp chất lượng cao đang được cả hai bên coi là một trọng điểm mới trong quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa hai nước.

Xin ông vui lòng cho biết những dấu mốc quan trọng thể hiện quan hệ ngoại giao giữa hai nước ngày một chặt chẽ và hiệu quả hơn?

Trong vòng 3 năm qua đã có hàng loạt các cuộc trao đổi đoàn ở tất cả các cấp lãnh đạo cao nhất của hai nước. Về phía Việt Nam có các chuyến thăm Nhật Bản của đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng (9/2015), Chủ tịch nước Trần Đại Quang (6/2018), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (5/2016 và 6/2017). Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân cũng có chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 8/2015 khi còn là Phó Chủ tịch Quốc hội.

Về phía Nhật Bản có chuyến thăm lịch sử lần đầu tiên tới Việt Nam của Nhà Vua và Hoàng hậu (3/2017), Thủ tướng Shinzo Abe (tháng 1 và 11/2017), Chủ tịch Hạ viện (5/2017) và Chủ tịch Thượng viện (12/2015). Các chuyến thăm nói trên cũng như các cuộc gặp gỡ thường xuyên của lãnh đạo hai nước bên lề các hội nghị quốc tế và khu vực đã góp phần củng cố quan hệ tin cậy giữa lãnh đạo hai nước, đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển có hiệu quả trong quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới sự giao lưu ngày một gần gũi hơn giữa các địa phương của hai nước, các tổ chức chính trị-xã hội và giữa nhân dân hai nước. Trung bình mỗi năm Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tham gia đón và hỗ trợ cho 20-30 đoàn lãnh đạo các địa phương của Việt Nam thăm xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, và cũng có khoảng 6-7 đoàn Thống đốc các tỉnh của Nhật Bản cùng hàng chục doanh nghiệp đi theo tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh.

Nhiều địa phương Nhật Bản đã chọn Việt Nam là một trong những ưu tiên hợp tác trong chiến lược chấn hưng kinh tế địa phương của họ. Thống đốc tỉnh Mie cho biết trong 2-3 năm nay, năm nào ông cũng dẫn đầu một đoàn doanh nghiệp lớn của tỉnh đi thăm Việt Nam vì qua khảo sát cho thấy Việt Nam là nước được các doanh nghiệp của tỉnh Mie quan tâm tới nhiều nhất. Tính đến thời điểm hiện tại đã có khoảng gần 40 cặp địa phương của Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết các văn bản hợp tác với nhau.

Phát triển nguồn nhân lực đang trở thành một trong những trụ cột rất quan trọng trong hợp tác giữa hai nước. Xin Đại sứ chia sẻ một số thông tin về lĩnh vực hợp tác này?

Năm 2012, tổng số người Việt Nam tại Nhật Bản là hơn 50.000 người, tới cuối 2017 con số đó đã lên tới 262.000 và đến giữa 2018 đã lên tới khoảng 300.000 người, tức là đã tăng gấp 6 lần trong 6 năm qua. Trong số đó, số du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản là hơn 75.000, và số thực tập sinh kỹ năng là trên 140.000. Người Việt Nam đã có mặt sinh sống, lao động và học tập tại tất cả các tỉnh, thành của Nhật Bản.

Với việc dân số Nhật Bản đang bị già hóa và giảm về số lượng thì nguồn lao động thực tập sinh nước ngoài, nhất là từ Việt Nam, đang là nguồn bổ sung quan trọng cho sự thiếu hụt nhân lực của Nhật Bản trong hầu hết các ngành nghề. Tôi đi đến địa phương nào thì Thống đốc và doanh nghiệp các tỉnh đều đánh giá rất cao chất lượng lao động của các thực tập sinh kỹ năng và những người lao động Việt Nam; hiệu trưởng các trường học nghề, trường đại học đều đánh giá cao học lực của các du học sinh Việt Nam.

Con số hàng trăm nghìn lượt người sang Nhật Bản học tập và lao động thực sự là biểu tượng sinh động của mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi đang ngày càng phát triển giữa hai nước. Đây cũng là nguồn tài sản quí giá, là cầu nối vun đắp cho quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ tới.

Việt Nam và Nhật Bản cùng chia sẻ nhiều điểm đồng về lợi ích chiến lược trong việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực vì sự phát triển của mỗi nước, có phải vậy không thưa Đại sứ?

Dịp hội nghị cấp cao APEC tháng 11/2017, Nhật Bản đã cùng Việt Nam và một số quốc gia khác kiên trì thúc đẩy việc sớm ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (hay còn gọi là TPP-11) và đang tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thúc đẩy tự do hóa thương mại trong khu vực.

Về vấn đề Biển Đông, lãnh đạo Nhật Bản đã nhiều lần khẳng định Nhật Bản luôn ủng hộ lập trường của Việt Nam phản đối các hành động gây căng thẳng và quân sự hóa, dẫn đến thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông; ủng hộ việc bảo đảm tự do, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không, không sử dụng vũ lực và đe dọa vũ lực, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982,  sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và có tính ràng buộc pháp lý. Nhật Bản cũng tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chiến lược Biển với Việt Nam.

Nhìn tổng quát, mối quan hệ "Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á" giữa Việt Nam và Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trong 45 năm qua kể từ ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Đồng thời, tiềm năng phát triển hơn nữa mối quan hệ đó vẫn là rất lớn. Đây là cơ hội không thể để bỏ lỡ, hai bên cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để tiếp tục đưa quan hệ hai nước sang một giai đoạn phát triển mới theo hướng ngày một thực chất và hiệu quả vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.

Đại sứ có thể chia sẻ một vài hoạt động tiêu biểu về văn hóa, kinh tế và công tác cộng đồng của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản trong thời gian mà Đại sứ tâm đắc?

Một trong những "đặc sản" của ta ở Nhật Bản là các lễ hội Việt Nam được tổ chức hàng năm ở Tokyo và nhiều địa phương khác nhau của Nhật Bản. Mỗi lễ hội Việt Nam như vậy đã thu hút từ vài chục nghìn người đến hàng trăm nghìn lượt người tham dự, thậm chí có năm lễ hội Việt Nam tại tỉnh Kanagawa lên đến 400.000 lượt người, vượt quá mong đợi của cả ta và bạn.

Năm 2018, nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ hai nước, Thống đốc Kuroiwa đã quyết định tổ chức cả lễ hội Việt Nam ở tỉnh (vào đầu tháng 9 này) và lễ hội Kanagawa ở Hà Nội (tháng 11) và đã dành nguồn kinh phí gần 400.000 USD để tổ chức, trong đó kinh phí của Tỉnh là 200.000 USD và huy động từ các nguồn lực khác là 200.000 USD.

Đại sứ quán cũng đã hướng dẫn và hỗ trợ để củng cố tổ chức các hội đoàn người Việt ta ở Nhật như Hội người Việt Nam, Hội doanh nhân, Hội thanh niên-sinh viên, Hội phật tử Việt Nam tại Nhật Bản cũng như các chi hội người Việt tại các vùng, các địa phương khác nhau cùng chung tay hỗ trợ và phát triển cộng đồng.

Đại sứ quán cũng lên kế hoạch lập cơ sở dữ liệu về cộng đồng người Việt Nam tại Nhật, lên danh sách các đầu mối người Việt tại tất cả các địa phương Nhật Bản để kịp thời thông báo cho cộng đồng những chủ trương, chính sách liên quan của Đảng và Nhà nước ta tới cộng đồng, cũng như mỗi khi có chuyện xảy ra như thiên tai, động đất thì có thể nắm bắt ngay được tình hình cộng đồng và có các phương hướng xử lý phù hợp.


Thu Trang


Theo VnEconomy

undefined