Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Trung Quốc đang bỏ tiền “mua” hàng loạt nhà khoa học Nhật?

12:00 | 01/12/2020

Nhiều học giả Nhật sau khoảng thời gian mệt mỏi không kiếm được vị trí phù hợp tại các trường đại học nội địa cũng như các tổ chức nghiên cứu, đang tìm đến Trung Quốc.

Đối với các nhà khoa học Nhật, sức hấp dẫn của việc theo đuổi nghiên cứu khoa học tại Trung Quốc dường như đang ngày một lớn dần, theo nhận định của bài đăng trên báo Nikkei.
Xu thế này đang mạnh lên khi mà chính phủ Trung Quốc đang tích cực mời các học giả hàng đầu từ khắp thế giới đến nước này. Nhiều học giả Nhật sau khoảng thời gian mệt mỏi không kiếm được vị trí phù hợp tại các trường đại học nội địa cũng như các tổ chức nghiên cứu, đang tìm đến Trung Quốc.
Một nhà nghiên cứu về não người tại đại học Chiết Giang – Trung Quốc, ông Toru Takahata, nói: “Tôi muốn làm việc tại Nhật thế nhưng không kiếm được vị trí nào”.
Ông Takahata năm nay 43 tuổi. Ông tốt nghiệp tiến sỹ từ trường đại học Graduate University for Advanced Studies vào năm 2005, ông tham gia chương trình nghiên cứu sau tiến sỹ tại đại học Vanderbilt ở Mỹ vào năm 2008. Ông đã không ngừng tìm kiếm công việc tại Nhật từ năm 2013 thế nhưng không ưng ý với vị trí nào.
Sau đó, ông tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài và rồi cuối cùng tìm được vị trí tại đại học Chiết Giang vào năm 2014. Môi trường nghiên cứu tại đây rất thuận lợi, ông có phòng nghiên cứu riêng tại một tòa nhà mới xây. Không chỉ nhận được lương thưởng hậu hĩnh, ông còn nhận được số tiền tương đương 50 triệu yên tức 478.652USD cho 5 năm tham gia nghiên cứu mà không cần phải chịu bất kỳ hạn chế nào.
Dù rằng tất nhiên phía tuyển dụng yêu cầu cao về thành quả nghiên cứu, thế nhưng tính chung mức thưởng dành cho các học giả có kết quả nghiên cứu thành công vẫn cao hơn rất nhiều so với tại Nhật.
Trung Quốc cũng tung tiền ra thu hút cả những học giả Nhật có thâm niên nghiên cứu lâu năm.
Giáo sư ngành thiên văn tại Nhật, ông Toshitaka Kajino, đã trở thành giám đốc trung tâm nghiên cứu quốc tế tại trường nghiên cứu vũ trụ Bắc Kinh. Khi đó, ông đã 64 tuổi. Ông Kajino đã chấp thuận lời mời từ chính phủ Trung Quốc cũng bởi mức lương thưởng mà ông nhận được vô cùng hấp dẫn.
Số lượng các nhà học giả Nhật làm việc tại Trung Quốc đã tăng ổn định qua các năm. Ở thời điểm tháng 10/2017, khoảng 8.000 học giả Nhật đang làm việc tại Trung Quốc, theo số liệu của Bộ Ngoại giao Nhật. Trong năm tài khóa 2018, số lượng học giả Nhật làm việc tại Trung Quốc dưới 1 tháng là 18.460 người, tăng 25% so với năm tài khóa 2014 và như vậy đã tăng đến 4 năm liên tiếp, theo Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật.
Nếu tính theo nước, Trung Quốc có số học giả người Nhật cao thứ 2 trên thế giới. Cùng lúc đó, số lượng học giả Nhật tại Mỹ và Hàn Quốc, hai nước đang giữ vị trí thứ nhất và thứ ba đang giảm đáng kể.
Truyền thông Nhật tất nhiên không thể bỏ qua xu thế nhiều học giả Nhật sang Trung Quốc làm việc. Nhiều báo chí Nhật mới đây đưa tin về chương trình tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc cố gắng tuyển thật nhiều chuyên gia để tham gia nghiên cứu khoa học nhằm củng cố cho năng lực khoa học của nước này, đồng thời họ cũng cho rằng điều đó tiềm ẩn rủi ro an ninh quốc gia với Nhật. Mùa xuân năm 2016, ông Kajino đã được phía Trung Quốc chú ý.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đang tích cực tuyển dụng học giả Nhật. Theo Viện chính sách chiến lược Australia, Trung Quốc hiện đang có 600 điểm tuyển dụng tài năng ngoại, trong đó có 46 điểm tại Nhật, các điểm này được điều hành bởi các nhóm thân Bắc Kinh trên khắp thế giới.
Trong nhiều trường hợp, các học giả được chính thức mời đến các trường đại học Trung Quốc làm việc sau khi hai bên quen biết nhau sau các chuyến thăm ngắn hạn đến Trung Quốc, theo phân tích của giáo sư tại Viện Thông tin Quốc gia, ông Miho Funamori.
Nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng học giả Nhật tìm kiếm cơ hội nghiên cứu tại Trung Quốc bất chấp nhiều rủi ro mất công nghệ bởi điều kiện làm việc tại Nhật quá nghèo nàn. Riêng trong năm tài khóa 2018, Trung Quốc dành ra đến 28 nghìn tỷ yên ngân sách phục vụ cho khoa học và công nghệ trong khi đó con số này tại Nhật chỉ 3,8 nghìn tỷ yên. Những học giả tuổi dưới 40 chỉ chiếm 23,4% nhân sự tại các trường đại học Nhật, tỷ lệ thấp kỷ lục so với các nền kinh tế phát triển.


TRUNG MẾN

Theo Bizlive

undefined