Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Không hạn chế quyền nhập cảnh của công dân trong bất kỳ trường hợp nào

12:00 | 16/07/2019

Có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung điều kiện nhập cảnh là người không có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, an toàn sinh học, không mang bệnh, mầm bệnh liên quan tới sức khỏe cộng đồng...

Sáng 15/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra, Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, ông Võ Trọng Việt cho biết, về điều kiện nhập cảnh (điều 26) qua thảo luận tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, một số ý kiến đề nghị bổ sung điều kiện nhập cảnh để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với từng loại đối tượng.

Trong đó, có ý kiến đề nghị bổ sung điều kiện nhập cảnh là người không có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, an toàn sinh học, không mang bệnh, mầm bệnh liên quan tới sức khỏe cộng đồng, không bị tạm hoãn xuất cảnh; người mất năng lực hành vi dân sự và người chưa đủ 14 tuổi phải có người đại diện hợp pháp đi cùng; đồng thời, tham khảo các điều ước quốc tế có liên quan, các hành vi bị nghiêm cấm để bổ sung vào điều kiện nhập cảnh.

Ý kiến khác đề nghị không bổ sung điều kiện nhập cảnh, vì đã xuất cảnh thì phải được nhập cảnh theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966.

Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng, công dân Việt Nam khi xuất cảnh ra nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài luôn được tạo điều kiện thuận lợi để nhập cảnh về nước và không bị hạn chế bất kỳ trường hợp nào là phù hợp với chủ trương của Đảng. Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đều đã khẳng định quyền trở về nước của công dân không bị hạn chế.

Trường hợp công dân Việt Nam khi ra nước ngoài có hành vi xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến quốc phòng, an ninh quốc gia, vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật khi công dân nhập cảnh về Việt Nam, ông Việt lý giải.

Đối với trường hợp công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi hoặc mất năng lực hành vi dân sự khi nhập cảnh, nếu không có người đại diện hợp pháp đi cùng thì không thể không cho họ nhập cảnh nhằm bảo vệ công dân Việt Nam và thực tế tại các cửa khẩu, lực lượng chức năng đã phải giải quyết cho nhiều trường hợp như vậy nhập cảnh Việt Nam, báo cáo của cơ quan thẩm tra nêu rõ.

Từ những lý do trên, Thường trực Uỷ ban đề nghị không hạn chế quyền nhập cảnh của công dân trong bất kỳ trường hợp nào.

Nội dung khác cũng còn ý kiến khác nhau là về các trường hợp bị hoãn xuất cảnh, Chủ nhiệm Việt cho biết.

Thường trực Uỷ ban đã tiến hành rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan và đề nghị thiết kế lại điều luật này cho rõ ràng hơn, thống nhất trong hệ thống pháp luật, có viện dẫn mà không sao chép, thu hẹp diện các đối tượng bị tạm hoãn cho sát hợp với thực tiễn.

Dự thảo luật quy định chặt chẽ hơn các trường hợp bị tạm hoãn để tránh việc lạm dụng, lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền công dân…

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng - An ninh đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp: "Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn" và "người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của tòa án".

Quy định các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh cũng là nội dung được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quan tâm thảo luận với yêu cầu rà soát kỹ càng để vừa đảm bảo chặt chẽ  phục vụ quản lý nhưng cũng tránh xâm phạm đến quyền của công dân, tránh quy định chung chung làm tăng diện hoãn xuất cảnh.

Bày tỏ sự nhất trí cao với cơ quan thẩm tra, Thứ trưởng Bộ Công an (cơ quan chủ trì soạn thảo) Lê Quý Vương cũng cho biết sẽ rà soát kỹ để quy định hết sức chặt chẽ về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh. Đây là vấn đề rất khó, ông Vương nói.


Nguyễn Lê

Theo VnEconomy

undefined