Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Chủ tịch Đà Nẵng: 'Nghi ngờ trong cộng đồng còn ổ dịch'

12:00 | 03/08/2020

Sáu trong tổng số 121 ca nhiễm nCoV chưa truy vết được, khiến ông Huỳnh Đức Thơ quan ngại "đâu đó trong cộng đồng còn ổ dịch".

Báo cáo Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc phòng, chống Covid-19 chiều 2/8, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch TP Đà Nẵng, nói hiện trên địa bàn ghi nhận 121 ca nhiễm, trong đó 5 ca tử vong.

Theo ông Thơ, điều quan ngại nhất là có sáu ca nhiễm bệnh đến nay chưa xác định được vết tích liên quan đến các ca trước đó, "chưa truy được vết, nghĩa là có quyền nghi ngờ đâu đó trong cộng đồng còn ổ dịch khác chưa tìm được".

Ông Huỳnh Đức Thơ, trong chiến dịch chống Covid-19 hồi tháng 2/2020. Ảnh: Nguyễn Đông

Ông Huỳnh Đức Thơ, trong chiến dịch chống Covid-19 hồi tháng 2/2020. Ảnh: Nguyễn Đông

"Chiến lược chống dịch của Đà Nẵng là xét nghiệm, truy vết, cách ly, phong tỏa, dập dịch quyết liệt, giải quyết dịch lây lan trong cộng đồng", ông Thơ nói và cho biết, trưa 2/8, Đà Nẵng phong toả tiếp Bệnh viện Cẩm Lệ, nơi phát hiện 2 ca nhiễm và thôn Lệ Sơn Nam (xã Hoà Tiến, huyện Hoà Vang), nơi có 800 cư dân, phát hiện 3 người mắc nCoV. Nâng số điểm phong toả lên 5, gồm ba bệnh viện trung tâm, một bệnh viện huyện và một điểm dân cư.

Đà Nẵng đã sử dụng toàn bộ công suất ký túc xá sinh viên, cơ sở quân đội, tiến tới huy động quận, huyện dùng trường học, cơ sở công cộng khác lắp đặt trang thiết bị dùng làm cơ sở cách ly.

Trường hợp các khu cách ly cộng đồng quá tải, nguy cơ gây lây nhiễm chéo, thành phố sẽ kích hoạt phương án cách ly tại nhà. Tuy nhiên, ông Thơ nói đây mới là phương án "bỏ túi".

Người dân đi ngang một khu dân cư bị phong toả vì có người mắc nCoV, ngày 28/7. Ảnh: Nguyễn Đông

Người dân đi ngang một khu dân cư bị phong toả vì có người mắc nCoV, ngày 28/7. Ảnh: Nguyễn Đông

Về xét nghiệm, cùng với ba cơ sở là Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi, thành phố huy động thêm một cơ sở xét nghiệm của Quân khu 5 với công suất 400 mẫu mỗi ngày; chuẩn bị thêm một điểm tại Bệnh viện 199 Bộ Công an. Năm cơ sở cùng hoạt động sẽ nâng công suất xét nghiệm lên 10.000 mẫu mỗi ngày.

Chiến lược điều trị của thành phố được chuyển hướng khi Bệnh viện Đà Nẵng - cơ sở y tế chủ lực đã thành "ổ dịch". Các bệnh nhân nhiễm nCoV sẽ chuyển dần sang hai cơ sở lâm thời là Bệnh viện Phổi, Bệnh viện dã chiến Hoà Vang.

Bệnh viện Đà Nẵng hiện điều trị các ca thông thường, tiến tới "làm sạch" ổ dịch, giữ lại trụ cột y tế của thành phố. Toàn bộ nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng đã được lấy mẫu xét nghiệm. 16 ca nhiễm ghi nhận chiều nay có 4 y bác sĩ. Ông Thơ hy vọng "con số sẽ dừng lại ở đây".

Những ngày tới, nếu xét nghiệm đợt hai ở Bệnh viện C cho kết quả âm tính, có thể dỡ bỏ phong toả, phục hồi lại cơ sở chữa bệnh chủ lực này. Bệnh viện dã chiến công suất 700 giường ở Cung thể thao Tiên Sơn dự kiến tuần sau sẽ hoàn chỉnh, có thể lấy thêm Trung tâm hội trợ triển lãm làm bệnh viện dã chiến thứ ba. Thành phố đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ trong khâu thiết kế, nghiệm thu, công nhận bệnh viện càng sớm càng tốt để dự phòng năng lực chữa trị.

Khử trùng xe đưa đón người nhà bệnh nhân khỏi Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Khử trùng xe đưa đón người nhà bệnh nhân khỏi Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Chủ tịch Đà Nẵng kêu gọi người dân thực hiện nghiêm túc, chung tay với cuộc chiến chống dịch của toàn thành phố. Đà Nẵng sẽ duy trì các chốt kiểm soát liên tỉnh, hạn chế người dân ra vào địa bàn để tránh Covid-19 lây lan.

Theo ông Thơ, ngành y tế thành phố cần thêm máy thở, sinh phẩm, hoá chất để chữa trị, xét nghiệm; cần thêm nhân viên y tế có kinh nghiệm để phục vụ trong các bệnh viện dã chiến.

Nếu năng lực xét nghiệm được nâng lên, Đà Nẵng sẽ rút ngắn được rất nhiều trong "cuộc đua" chặn đứng Covid-19 lây lan. Thành phố không dùng phương pháp test nhanh, bởi có thể cho kết quả âm tính nhưng không thể khẳng định có nhiễm hay không; chủ trương xét nghiệm từng người, sàng lọc chính xác ca nhiễm để chữa trị.

"Mọi sự thành bại đều phụ thuộc vào tốc độ xét nghiệm, cách ly, truy vết. Làm càng nhanh thì chiến dịch càng thu ngắn lại. Còn chậm trễ, kéo dài, dịch có thể lây lan tiếp trong cộng đồng", ông Thơ nói.

Bộ Y tế chiều 2/8 ghi nhận 30 ca nhiễm nCoV, trong đó 16 người Đà Nẵng, 9 Quảng Nam, hai Đăk Lăk; Đồng Nai, Hà Nam mỗi nơi một ca, Khánh Hòa một ca nhập cảnh.

Võ Hải - Hoàng Phương\

Theo Vnexpress

undefined