Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng

12:00 | 07/07/2020

Lãnh đạo TP Đà Nẵng cho rằng, GRDP có thể tăng 1,3% nhưng với điều kiện các nền kinh tế là đối tác quan trọng khống chế được dịch ngay trong quý III.

Tại phiên khai mạc sáng 6/7 ở kỳ họp thứ 15 của HĐND TP Đà Nẵng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đề xuất 3 kịch bản tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Các kịch bản này dựa trên việc Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4 và tuỳ mức độ kiểm soát dịch của các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, các nước ASEAN, EU.

Kịch bản thứ nhất, dự kiến GRDP tăng khoảng 1,3% so với năm 2019 nếu hầu hết đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng khống chế được dịch trong quý III. Với kịch bản này, các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch nhưng mức độ chỉ tương đương 50-60% bình quân 6 tháng đầu năm 2020. Kinh tế Đà Nẵng sẽ trên đà phục hồi khi bước sang quý IV.

Nhiều xe buýt, xe khách phải nằm trong bãi đỗ xe suốt nhiều tháng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Đông.

Nhiều xe buýt, xe khách phải nằm trong bãi đỗ xe suốt nhiều tháng, do ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: Nguyễn Đông.

Kịch bản thứ hai xấu hơn, là GRDP năm 2020 dự kiến giảm 0,88% so với năm 2019 nếu chỉ một vài các quốc gia - đối tác kinh tế khống chế được dịch và thậm chí một số nước phải kéo dài tới quý IV. Ở kịch bản này, các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực tương đương 50-60% bình quân 6 tháng đầu năm 2020 và chỉ trên đà phục hồi khi bước sang quý IV.

Kịch bản cuối cùng là GRDP Đà Nẵng giảm khoảng 2,83% so với cùng kỳ với tình huống hầu hết quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng chưa thể khống chế được dịch trong quý III và kéo dài sang quý IV. Với kịch bản này, các ngành vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực như trong nửa đầu năm, kinh tế thành phố vẫn chưa thể phục hồi

Ông Hồ Kỳ Minh cho rằng, cả ba kịch bản đều đã tính đến nỗ lực của chính quyền, người dân thành phố Đà Nẵng trong việc nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

"Kịch bản thứ nhất là quá lý tưởng, trong khi kịch bản thứ ba hoàn toàn có thể xảy ra vì hàng ngày vẫn có trên 100.000 người mắc bệnh và trên 5.000 người tử vong. Kịch bản thứ hai có thể là một lựa chọn phù hợp để làm định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong 6 tháng cuối năm", ông Kỳ Minh phân tích.

Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ phải đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Nguyễn Đông.

Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ phải đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Nguyễn Đông.

Ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, đề nghị phân tích làm rõ các nguyên nhân suy giảm kinh tế - xã hội và giải pháp để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Trong các nguyên nhân khiến kinh tế thành phố tăng trưởng âm sau 23 năm, ông Trung nói có việc chậm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư; nhiều dự án công trình trọng điểm chậm tiến độ; tỉ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản tính đến nay vẫn chưa đạt mục tiêu.

"Một bộ phận cán bộ làm việc còn cầm chừng, chưa yên tâm, thiếu nhiệt huyết, thiếu tinh thần trách nhiệm, việc chấp hành kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm...", ông Trung nhận định và cho biết sẽ quyết liệt khắc phục.

Do ảnh hưởng của Covid-19, hầu hết chỉ tiêu kinh tế của Đà Nẵng 6 tháng đầu năm đều suy giảm. GRDP giảm 3,61%; tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ giảm 49,1%; tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 26,2%; tổng mức bán lẻ giảm 2,8%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 10,9%; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 giảm 7,3%; số lượng lao động mất việc làm tăng (tỷ lệ thất nghiệp 7,24%, 179.000 lao động bị ảnh hưởng do Covid-19); thu ngân sách đạt thấp, chỉ bằng 36,4% dự toán...


Nguyễn Đông

Theo Vnexpress

undefined