Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

15 nghìn tỷ đồng mới là dự án quan trọng quốc gia?

12:00 | 21/02/2019

Theo quan điểm của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội thì mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia có thể tăng thêm 50% so với quy định hiện hành, lên 15.000 tỷ đồng.

Sáng 21/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 31, nội dung đầu tiên là cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Báo cáo phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Tài chính - Ngân sách (cơ quan thẩm tra dự án luật) nêu khá nhiều vấn đề còn có ý kiến khác nhau, trong đó có tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, về nội dung này, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C là mức điều chỉnh quá cao, dẫn tới khó kiểm soát, đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành. Một số ý kiến cho rằng, có thể điều chỉnh tổng mức đầu tư phân loại dự án nhưng phải trên cơ sở đánh giá trên thực tế.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban thẩm tra cho rằng, thực tế thời gian qua, chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định. Với quy định như luật hiện hành, mới chỉ có 2 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội và không có vướng mắc gì.

Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn, sau gần 4 năm thực hiện Luật Đầu tư công, chỉ số CPI đã tăng khoảng 10%, quy mô thu ngân sách tăng khoảng 55%, chi ngân sách cho đầu tư phát triển tăng khoảng 120%, quy mô các dự án đầu tư công cũng lớn hơn, để luật sửa đổi lần này phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, phân loại dự án phù hợp với quy mô ngân sách, đề nghị mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng thêm 50% so với quy định hiện hành, lên 15.000 tỷ đồng. Tương tự đối với các dự án nhóm A, B, C, đề nghị mức tăng 50% so với quy định hiện hành.

Theo đó, điều 7 dự án luật quy định:

Dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí dưới đây:

1. Sử dụng vốn đầu tư công từ 15.000 tỷ đồng trở lên;

2. Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:

a) Nhà máy điện hạt nhân;

b) Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 héc ta trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 héc ta trở lên;

3. Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 héc ta trở lên;

4. Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác;

5. Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho biết, có ý kiến đề nghị giữ như quy định của luật hiện hành vì không cần thiết điều chỉnh và thực tế thực hiện không phát sinh vướng mắc.Luật Đầu tư công hiện hành cũng đã quy định trong trường hợp cần thiết thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án nhóm A, B, C và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Cơ quan soạn thảo đề nghị căn cứ vào tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế (GDP) và tốc độ tăng giá bình quân (CPI), nên điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia lên mức vốn 20.000 tỷ đồng (thay vì 15.000 tỷ đồng như đề xuất của Ủy ban thẩm tra), Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cho biết.

Phần thảo luận, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng không nên thay đổi tiêu chí phân loại.

4 năm mới chỉ có 2 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội và không có vướng mắc gì thì tại sao phải nâng lên? có vướng mắc gì không, nâng lên như đề xuất thì có lẽ Quốc hội chẳng quyết định dự án nào nữa, ông Phúc băn khoăn.

Cho rằng nâng mức vốn của công trình quan trọng quốc gia cũng được nhưng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì điều chỉnh tăng lên 35 ngàn tỷ thì cao quá. Mà thực tế từ ngày có Luật Đầu tư công chỉ có hai công trình có vốn ngân sách từ 10 ngàn tỷ trở lên thôi mà chả có vướng mắc gì.

Có dự án quyết định gần 1 năm còn chưa triển khai, chưa giao vốn, tiền có mà không chi được, cái đó có phải do Quốc hội hay do luật không, hay do trình tự thủ tục, do trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương, phải làm cho rõ, Chủ tịch Quốc hội nói.

Cùng quan điểm nâng lên 35 ngàn tỷ là quá lớn, với kinh nghiệm 5 khoá làm đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị  Nga cho rằng thời gian qua có dấu hiệu một số dự án lúc đầu định đưa ra Quốc hội quyết nhưng sau đó lại chia nhỏ ra để không cần trình Quốc hội quyết. Vì đưa ra Quốc hội thì trình tự phức tạp hơn, giám sát chặt chẽ hơn.

Thực tế một số dự án không qua Quốc hội sau đó đã phải giải quyết hậu quả bằng nhiều cách khác nhau, bà Nga nhấn mạnh.

Cần làm rõ tiêu chí vì sao phải điều chỉnh chứ tự nhiên nhảy lên 35 ngàn tỷ mà chẳng có tiêu chí nào thì không được, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu khi kết thúc phiên thảo luận.


Nguyễn Lê

Theo VnEconomy

undefined