Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

“Sức khỏe” của các doanh nghiệp cá tra đã rất yếu

12:00 | 16/09/2021

Doanh nghiệp ở 19 tỉnh, thành phía Nam sau gần 2 tháng hoạt động với phương thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” đã có dấu hiệu đạt ngưỡng báo động...

Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam quan ngại, nếu không có các chính sách hỗ trợ, ngành cá tra Việt Nam sẽ khó thực hiện được các đơn hàng cuối năm, nguyên liệu sẽ thiếu trầm trọng từ nay đến giữa 2022 trong khi nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt nguồn lực tái đầu tư...
Trong khi đó nhiều kiến nghị vẫn tiếp tục gửi đến các cấp.
Thưa ông, đã hai tháng các doanh nghiệp cá tra thực hiện sản xuất kinh doanh theo tinh thần Chỉ thị 16 trong phòng chống dịch COVID-19. Ông có thể cho biết tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp nói chung đến nay như thế nào?
Sau thời gian dài áp dụng phương thức hoạt động “3 tại chỗ” sau đó lên “4 tại chỗ”, đến nay số doanh nghiệp còn hoạt động không được bao nhiêu.
Theo tổng hợp của Hiệp hội, có trên 40% doanh nghiệp đăng ký sản xuất “4 tại chỗ” nhưng trên thực tế có đến 2/3 số doanh nghiệp đã ngừng sản xuất, còn 1/3 doanh nghiệp vẫn sản xuất nhưng rất khó khăn do không lo được cho lực lượng công nhân.
Cụ thể như, tại Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đa quốc gia (IDI) có 1.200 công nhân nhưng hiện chỉ có 300 công nhân còn đang làm việc. Tại Công ty TNHH Hùng Cá có từ 4.000 - 5.000 công nhân nhưng nay chỉ duy trì khoảng 1.000 công nhân.
Theo báo cáo của doanh nghiệp, do những người đi thu mua, đánh bắt và vận chuyển cá nguyên liệu và lực lượng công nhân được tiêm ngừa rất ít, nên công ty không có người đi thu mua, vận chuyển nguyên liệu cũng như công nhân làm việc tại các nhà máy, khiến cá tra tới lứa bị tồn đọng trong ao rất nhiều, làm ảnh hưởng đến hoạt động của toàn chuỗi ngành hàng.
Trong tháng 8/2021, doanh nghiệp còn xuất khẩu được là họ lấy hàng từ nguồn trữ trong kho để xuất, và nhờ kết quả xuất khẩu 7 tháng đầu năm tăng cao nên cộng dồn 8 tháng xuất khẩu cá tra vẫn tăng 8,8% và đạt 993 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu có tăng nhưng doanh nghiệp xuất khẩu không có hiệu quả.
Trong trường hợp doanh nghiệp được trở lại sản xuất bình thường sau khi nới lỏng giãn cách sau 15/9, khả năng đáp ứng được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm cũng khá hạn chế, những đơn hàng mới hầu như khó thực hiện.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu ngân hàng thương mại khoan nợ, giãn nợ và giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp. Vậy kết quả hỗ trợ các hội viên đã nhận được thế nào, thưa ông?
Đã gần một tuần sau khi Thông tư 14 của NHNN - sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 có hiệu lực, nhưng thực chất còn tùy thuộc vào các ngân hàng thương mại.
Theo doanh nghiệp, có một số các ngân hàng thương mại giảm 0,5% lãi suất vay/năm, với mức giảm này không thể nào giúp được doanh nghiệp. Do vậy, Hiệp hội đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề nghị NHNN yêu cầu ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất 2%/năm đối với vốn vay cũ, đồng thời tăng định mức tín dụng mới cho doanh nghiệp.
Đề nghị Bộ Công Thương tăng định mức giảm tiền điện để cứu doanh nghiệp, nhưng chỉ cho các doanh nghiệp thì chưa đủ cần phải giảm tiền điện bơm nước cho những hộ nuôi cá giống và nuôi cá thương phẩm.
Theo báo cáo của các tỉnh có nuôi cá tra, tính đến hết tháng 8/2021 có gần 1 triệu tấn cá nguyên liệu đã xuất khẩu. Diện tích thả nuôi mới không nhiều vì trên thực tế người nuôi là các doanh nghiệp, còn những hộ nuôi trong dân đã giảm rất nhiều, vì hai năm qua giá cá tra xuống thấp từ hộ nuôi cho đến doanh nghiệp đều rất khó khăn không còn vốn để tái đầu tư.
Ông có nói là Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ. Vậy những kiến nghị đó cụ thể như thế nào?
Thứ nhất, trước đây Hiệp hội đã đề nghị với UBND tỉnh tăng cường tiêm vaccine cho công nhân nhưng do tỉnh không chủ động được nguồn vaccine mà phụ thuộc vào sự phân bổ của Trung ương. Để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, giúp doanh nghiệp sớm tái sản xuất chúng tôi khẩn thiết đề nghị Trung ương phân bổ vaccine về cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để tiêm ngừa cho công nhân và lực lượng lao động trong toàn chuỗi ngành hàng từ nuôi trồng, thu mua, đánh bắt, chế biến và xuất khẩu, vì khu vực này đang có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp.
Thứ hai, “sức khỏe” của các doanh nghiệp cá tra đã rất yếu, đề nghị phía ngân hàng cho khoan nợ, giãn nợ, giảm lãi suất, tăng đầu tư tín dụng và cho vay với lãi suất thấp để doanh nghiệp tái sản xuất và phục hồi kinh tế.
Thứ ba, bình ổn thức ăn chăn nuôi thủy sản. Ngay lúc khó khăn mà thức ăn thủy sản vẫn tăng từ 20 đến 30%.
Nhằm bình ổn giá thức thủy sản đề nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu giảm thuế VAT đối với các nguyên liệu nhập khẩu sử dụng chế biến thức ăn thủy sản để giảm giá thức ăn trong nước, giúp doanh nghiệp và người chăn nuôi phục hồi sản xuất.
Thứ tư, tăng cường xúc tiến thương mại để giải phóng lượng cá còn tồn đọng trong ao. Hiện phần lớn cá vượt size xuất khẩu và chất lượng không cao, vậy loại cá nào còn trong size thì đẩy mạnh xuất khẩu loại cá nào vượt size thì phân phối ở các chợ đầu mối và hệ thống siêu thị nội địa.
Thứ năm, theo khảo sát của Hiệp hội, hiện nay hầu hết các nhà ươm nuôi cá bố mẹ đều nghỉ nuôi, nếu không sớm phục hồi các trại giống, các trung tâm ươm giống để tạo ra nguồn giống ngay bây giờ thì đến giữa năm 2022 sẽ thiếu cá nguyên liệu trầm trọng.
Cần phục hồi các trung tâm giống, trại giống bằng cách cho họ vay vốn đầu tư lại đàn cá giống, vì có cá giống mới có cá thương phẩm. Nếu bắt đầu thả cá giống ngay từ tháng 10, tháng 11/2021 thì tám tháng sau mới có cá thương phẩm đạt chuẩn xuất khẩu. Đây là vấn đề hết sức cấp bách của ngành hàng cá tra, rất mong được Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thông và Thủ tướng quan tâm.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

NGUYỄN HUYỀN

Theo Bizlive

undefined