Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Với Covid-19, mục tiêu 12 tỷ USD xuất khẩu đồ gỗ có khả thi?

12:00 | 25/05/2020

Mục tiêu 12 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam năm nay đứng trước thử thách lớn bởi Covid-19.

Với Covid-19, mục tiêu 12 tỷ USD xuất khẩu đồ gỗ có khả thi?
Ảnh minh họa/Vietnamnet
Đại dịch Covid-19 khiến nhiều kênh xuất khẩu hàng hoá bị đứt gãy. Kinh tế toàn cầu suy giảm, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu giảm mạnh. Đồ gỗ nội, ngoại thất nằm trong danh sách những mặt hàng của nhu cầu không thiết yếu.
Theo ResearchAndMmarket.com, quy mô thị trường đồ gỗ nội thất toàn cầu dự báo sẽ giảm từ 731,6 tỷ USD năm 2019 xuống còn 705,7 tỷ USD năm 2020, tương ứng mức giảm là 3,6%.
Xuất khẩu đồ gỗ nội thất của Việt Nam cũng nằm trong hướng suy giảm đó. Một số dự báo chuyên ngành nhận định: kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2020 sẽ chỉ đạt khoảng 80% so với mục tiêu 12 tỷ USD.
Khó khăn chưa dừng lại
Cập nhật số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, từ 01/5 đến 15/5/2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 324,537 triệu USD; cộng dồn từ ngày 1/1 đến 15/5 đạt 3,612 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điểm được chú ý, trong mức tăng nói trên có một phần đơn hàng ký được trong năm 2019 (trước dịch Covid-19) và chuyển sang thực hiện vào đầu 2020.
Trước đó, trong tháng 4/2020, riêng xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ đạt 139,4 triệu USD, giảm 4,9% so với tháng trước, giảm 9,6% so với tháng 4/2019. Cộng dồn 4 tháng, xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ ước đạt 560 triệu USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ 2019. Dự báo, xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ sẽ còn chịu tác động lớn và sẽ giảm sâu trong quý II/2020.
Ông Nguyễn Liêm, Tổng giám đốc Công ty CP Lâm Việt cho biết, xuất khẩu đồ gỗ nội, ngoại thất đang gặp nhiều khó khăn do các thị trường chính Hoa Kỳ và châu Âu đều bị dịch Covid-19 hoành hành, dù hai thị trường này vẫn mở cửa. Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn nhập khẩu nhưng dịch bệnh vẫn còn nên sức mua yếu. Thị trường Úc với Công ty còn nhỏ và không đáng kể. Vì vậy, các xưởng chế biến gỗ của Lâm Việt có một số hoạt động cầm chừng, số khác đã ngừng hoạt động.
“Khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn doanh nghiệp muốn quay về thị trường nội địa, nhưng không dễ, bởi muốn phát triển thị trường trong nước doanh nghiệp phải có chuỗi cửa hàng phân phối và siêu thị tiêu thụ sản phẩm. Để làm được việc này cần phải có thời gian dài chứ không thể muốn làm ngay được”, ông Liêm nói.
Còn theo ông Tô Ngọc Ngời, Tổng giám đốc Công ty CP Vinafor Saigon (công ty xuất khẩu chủ yếu vào Hoa Kỳ và châu Âu), Hoa Kỳ đang bị dịch bệnh nặng nề nhưng không phải bang nào cũng bị nặng, và ngay trong một bang cũng không phải thành phố nào cũng bị dịch bệnh tấn công. Do vậy, nơi nào không có dịch và bán online được thì Công ty vẫn bán được.
Vinafor Saigon vừa nhận được đơn hàng trị giá 50.000 USD từ Hoa Kỳ. Các công ty khác cũng có đơn hàng. Nhưng số lượng và khối lượng xuất khẩu không nhiều như thời trước dịch.
Cấu phần tăng không đủ bù trọng số giảm
Trong khi xuất khẩu đồ gỗ nội, ngoại thất gặp nhiều khó khăn thì gỗ dăm và gỗ viên nén vẫn xuất khẩu tốt.
Gỗ dăm dùng để làm giấy nên nhu cầu vẫn cao, đang xuất khẩu mạnh vào các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản... Gỗ viên nén dùng làm vách sưởi ấm tại các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ nên vẫn xuất khẩu tốt.
Song, hai nhóm hàng đó không thể bù vào sự sụt giảm của xuất khẩu đồ gỗ nội, ngoại thất, không đủ để đạt mức 12 tỷ USD như mục tiêu chung của ngành.
Theo ông Ngời, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm nay sẽ không bằng năm 2019, vì có thể đến cuối tháng 6 dịch bệnh trên thế giới mới được khống chế, các thị trường mở cửa trở lại, nhưng phải đến hết quý IV/2020 các công ty mới nhận đơn hàng mới và sẽ giao hàng vào quý I/2021.
“Xuất khẩu đồ gỗ nội, ngoại thất giảm nhưng gỗ dăm và gỗ viên nén vẫn xuất khẩu được tốt. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ và gỗ viên nén tăng sẽ bù lại sự thiếu hụt kim ngạch đồ gỗ nội, ngoại thất. Dự đoán, năm nay ngành gỗ xuất khẩu đạt khoảng 9,6 tỷ USD”, ông Ngời dự tính.
Đồ gỗ nội thất là mặt hàng xuất khẩu chính trong quý I/2020, trị giá 1,65 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019, là do các đơn hàng năm 2019 đưa qua.
Kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ và gỗ viên, ván và ván sàn xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao trong quý I/2020. Trong đó, xuất khẩu dăm gỗ đạt 445,7 triệu USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2019. Dăm gỗ xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, trị giá xuất khẩu dăm gỗ sang thị trường này đạt 301,5 triệu USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam hầu hết qua các cảng biển, nên dịch Covid-19 cũng không có tác động lớn đối với ngành dăm gỗ xuất khẩu sang thị trường này.
Tuy nhiên, hạn chế xuất khẩu dăm gỗ và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như đồ nội thất bằng gỗ mới là mục tiêu chính của ngành gỗ.
Trong điều kiện dịch bệnh toàn cầu, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 9,6 tỷ USD theo tính toán của một số doanh nghiệp trong ngành là đã đạt yêu cầu. Tuy nhiên, điểm hòa vốn đến có lời của doanh nghiệp sẽ bị giảm.
Quy định phí của doanh nghiệp vẫn giữ nguyên trong khi đó biến phí lại tăng, vì doanh nghiệp vẫn “nuôi” nguồn lực sản xuất như vậy mà khối lượng hàng hóa xuất khẩu bị giảm, lợi nhuận theo đó sẽ giảm đi. Ví như, điểm hòa vốn của doanh nghiệp là 2 triệu USD, nếu xuất khẩu đạt 3 triệu USD thì bắt đầu có lời, nhưng nếu xuất khẩu dưới 2 triệu USD thì doanh nghiệp sẽ bị lỗ.

QUANG TRÍ

Theo Bizlive

undefined