Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Tích hợp thủ tục khởi sự kinh doanh, giảm thời gian, chi phí cho DN

12:00 | 07/01/2020

Theo đánh giá tại Báo cáo của WB, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 115/190 nền kinh tế, giảm 11 bậc so với năm 2018 (xếp thứ 104/190), với tổng số 8 thủ tục phải thực hiện.

Tich hop thu tuc khoi su kinh doanh, giam thoi gian, chi phi cho DN hinh anh 1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tích hợp thủ tục khởi sự kinh doanh, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đây là yêu cầu được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đưa ra tại cuộc họp với các bộ, ngành, bàn về giải pháp cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh và chỉ số tiếp cận điện năng theo đánh giá tại Báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 của Ngân hàng Thế giới, ngày 6/1.

Theo đánh giá tại Báo cáo này, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 115/190 nền kinh tế, giảm 11 bậc so với năm 2018 (xếp thứ 104/190), với tổng số 8 thủ tục phải thực hiện gồm đăng ký thành lập doanh nghiệp và công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia; làm dấu doanh nghiệp; thông báo mẫu dấu; mở tài khoản ngân hàng, đăng ký mua hóa đơn/sử dụng hóa đơn điện tử hoặc tự in hóa đơn; khai thuế môn bài; khai báo lao động; đăng ký bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động.

Khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp mặc dù đã thực hiện trực tuyến nhưng vẫn tiếp tục phải nộp hồ sơ giấy tới cơ quan đăng ký kinh doanh.

Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định “mở” cho doanh nghiệp trong việc có quyền tự quyết định số lượng, hình thức và nội dung con dấu. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện thông báo mẫu con dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Kết quả giải quyết của thủ tục này và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trở thành thành phần hồ sơ bắt buộc mà các ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp khi đăng ký mở tài khoản.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội; thông tin, dữ liệu về lao động;... chưa được kết nối, tích hợp, chia sẻ với nhau. Thực trạng trên dẫn đến yêu cầu cung cấp thông tin của các cơ quan quản lý vẫn còn trùng lặp, rời rạc, chưa cắt giảm được các thủ tục doanh nghiệp phải thực hiện.

Các thông tin về lao động của doanh nghiệp do cơ quan lao động quản lý không được chia sẻ, kết nối với cơ quan quản lý về bảo hiểm. Do đó, việc quản lý tình hình sử dụng lao động và việc tuân thủ quy định về đóng, nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động còn cát cứ.

Tich hop thu tuc khoi su kinh doanh, giam thoi gian, chi phi cho DN hinh anh 2
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Nhắc lại yêu cầu, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết liệt cải cách, đặc biệt là về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết theo xếp hạng mới nhất của Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh của Việt Nam tuy có tăng điểm nhưng lại tụt 1 hạng, xếp 70 thế giới và thứ 5 trong ASEAN. Trong đó, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam giảm 11 bậc so với năm 2018. Nghị quyết 02 năm 2020 của Chính phủ đặt mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số này lên 10-15 bậc ngay trong năm nay.

“Từng bộ thì cải cách tốt nhưng liên bộ thì chưa tốt, còn tình trạng cát cứ, từ đó đặt ra vấn đề liên thông, kết nối, chuyển từ thủ tục giấy sang điện tử," Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.

Bà Lan Anh, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho biết một trong những khuyến nghị lớn nhất đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới đưa ra trong chuyến nghiên cứu về báo cáo môi trường kinh doanh vào tháng 12/2019 là việc tích hợp các thủ tục vào trong một cổng thông tin, thay vì doanh nghiệp phải đi lại và làm việc với từng cơ quan riêng lẻ.

Nếu tích hợp được cả các bước về đăng ký lao động, đăng ký bảo hiểm xã hội cùng với cổng thông tin về cấp mã số thuế và đăng ký doanh nghiệp sẽ là bước cải cách rất lớn.

Quan điểm của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho thấy, hiện nay đã thực hiện việc liên thông cấp mã số doanh nghiệp và mã số thuế, cần tiếp tục liên thông cấp mã số bảo hiểm, đăng ký tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và cơ quan có liên quan nghiên cứu, triển khai thực hiện, hoàn thành trước ngày 20/2/2020.

Ông cũng đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chủ trì thực hiện liên thông, tích hợp thủ tục khai báo lao động với thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thất nghiệp; thông báo tăng, giảm lao động; bỏ quy định báo cáo 6 tháng và hàng năm về tình hình thay đổi về lao động.

Đại diện các bộ bày tỏ ủng việc việc liên thông, tích hợp dữ liệu. Riêng đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giải thích rằng việc khai báo lao động không phải là một thủ tục như nhận định của Ngân hàng Thế giới, mà doanh nghiệp chỉ phải gửi một báo cáo tới cơ quan quản lý lao động.

Không đồng tình với giải thích này, nêu rõ thực tế Ngân hàng Thế giới vẫn coi đây là một thủ tục, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thẳng thắn “các ông nói là không phiền hà, nhưng ở địa phương, họ kiểm tra mà không đúng, như sử dụng nhiều hơn số lao động đã đăng ký, thì doanh nghiệp khổ lắm.”

Ông chỉ ra rằng biểu mẫu Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH (về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 23/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm) quá phức tạp, không chỉ là đăng ký số lao động.

Biểu mẫu này yêu cầu doanh nghiệp khai trình sử dụng lao động ngay khi bắt đầu hoạt động, sáu tháng, một năm lại báo cáo một lần, giữa kỳ lại phải báo cáo tình hình thay đổi lao động...

“Như này thì doanh nghiệp kêu suốt ngày làm báo cáo, phòng tổng hợp của doanh nghiệp làm không xuể, làm cả đêm không xong là đúng rồi”, “sinh ra nhiều thủ tục là không ổn,” Bộ trưởng nói. Ông đặt vấn đề liệu có cắt giảm được thủ tục này không và đề nghị xem lại Thông tư 23 về vấn đề này.

Nghe đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giải thích sắp tới sẽ thay đổi, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết tới đây sẽ có mẫu biểu chung để triển khai, bên dưới chỉ việc áp vào luôn, không phải sinh thêm quy định.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì cho rằng về khai trình lao động, lẽ ra phải kiến nghị sửa đổi thủ tục này ngay trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động.

Hiện Bộ luật sửa đổi vẫn giữ nguyên quy định này, là vấn đề doanh nghiệp kêu nhiều, rất vướng. Tờ khai rất phức tạp, nếu doanh nghiệp chưa hoạt động thì không thể có lao động nào để đăng ký, không thể có hợp đồng, thông tin nào để tích hợp được. Vì vậy, cải thiện việc tích hợp khai trình lao động vào phần đăng ký kinh doanh trong quý 1/2020 là không khả thi, phải sửa Thông tư 23 sớm nhất có thể.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đồng tình rằng sẽ coi việc khai báo này là một thành phần hồ sơ ngay từ khi đăng ký kinh doanh. Người thành lập doanh nghiệp sẽ cung cấp thông tin cho cơ quan đăng ký kinh doanh, không phải cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý lao động nữa.

Các cơ quan và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đồng ý sẽ tích hợp thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội vào thủ tục đăng ký kinh doanh.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh cần phải cụ thể hóa yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách mạnh mẽ hơn và thực chất, tinh thần là thay đổi những gì phức tạp, đưa mẫu chuẩn tích hợp lên dịch vụ công và doanh nghiệp chỉ cần làm theo mẫu đã ban hành.

Cùng với đó đẩy mạnh hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử, đăng nhập một lần, liên thông kết nối, quyết tâm cùng các cơ quan nỗ lực giảm số thủ tục khởi sự kinh doanh từ 8 thủ tục xuống còn 4 thủ tục, tích hợp thủ tục, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp./.


Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

undefined