Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Quản lý chặt chẽ “giấy thông hành” để trái cây tươi vào các thị trường khó tính

12:00 | 21/09/2020

Điều kiện tiên quyết mà các nước nhập khẩu bắt buộc nước xuất khẩu phải đáp ứng là phải có mã số vùng trồng (MSVT), mã số đóng gói (MSĐG).


Đây cũng là một trong 2 nội dung được đề cập tại “Hội nghị triển khai giải pháp phòng chống hạn mặn và công tác quản lý mã số vùng trồng cây ăn quả ở đồng băng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2020 -2021” do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh chủ trì, vừa diễn ra tại tỉnh Tiền Giang.
Thị trường khác nhau yêu cầu cũng khác nhau
Theo Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV), việc cấp MSVT đã được quy định tại điều 64 luật Trồng trọt, tuy nhiên, việc cấp các mã số cũng được thực hiện theo yêu cầu của từng nước nhập khẩu (thị trường khác nhau thì các quy định khác nhau).
Đối với thị trường các nước phát triển (còn gọi là thị trường khó tính), những quy định về vùng trồng, cơ sở đóng gói được xây dựng kế hoạch thực hiện hoặc quy định về điều kiện nhập khẩu đối với từng loại nông sản cụ thể.
Tiêu chuẩn để được cấp MSVT, trước tiên phải chọn HTX hoặc Tổ hợp tác (THT) có quy mô 10 ha trở lên, các miếng vườn phải liên kề (cùng 1 ấp hoặc 1 xã) có khai báo đầy đủ, gồm: ấp, xã, huyện, tỉnh. Danh sách hộ nông dân tham gia MSVT. Kê khai diện tích của từng giống, loại trái được địa phương xác nhận và phải sản xuất theo VietGAP hoặc GlobalGAP, trong đó chú trọng đến công tác ghi chép nhật ký canh tác để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đảm bảo sử dụng thuốc BVTV không vượt ngưỡng cho phép.
Đối với thị trường Trung Quốc, việc cấp mã số dựa trên đề nghị của các địa phương. Tính đến nay trên cả nước đã có 47 tỉnh gửi văn bản đề nghị và đã cấp được 1.735 MSVT với diện tích trên 180.000 ha cho 9 loại quả tươi, gồm: thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, dưa hấu, chuối, mít và măng cụt đã được xuất khẩu chính ngạch, và 1.832 MSĐG. Trong số này, xoài, nhãn, thanh long là các sản phẩm được cấp MSVT nhiều nhất. Riêng ĐBSCL đã cấp 628 MSVT và 924 MSĐG phục xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc. Sau khi mã số được cấp thì việc giám sát các mã số này sẽ do địa phương thực hiện.
Tại các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand đến nay cũng đã cấp được 998 mã số vùng trồng; trong đó các mã số được cấp nhiều nhất là thị trường Hoa Kỳ (471), Úc và New Zealand (393), Hàn Quốc (199) và cấp 47 MSĐG cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường Thái Lan, Nhật Bản, EU.
Theo đó, định kỳ hàng năm, chuyên gia kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu kiểm tra vùng trồng và cơ sở đóng gói, vì vậy, vi phạm ở các thị trường này là rất thấp, chủ yếu xảy ra ở Việt Nam nên doanh nghiệp kịp thời khắc phục.
Trung Quốc cảnh báo vi phạm MSVT và MSĐG
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, từ năm 2018, Trung Quốc đã thông báo quy định về việc cấp MSVT và MSĐG và bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2019. Theo đó, trước khi các lô hàng trái cây tươi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này phải ghi MSVT và MSĐG lên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu.
Để tạo điều kiện cho xuất khẩu và không làm gián đoạn thương mại, ngay trong năm 2018, Cục BVTV đã làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để có những hướng dẫn cụ thể hơn và xây dựng cơ chế phối hợp giữa hai bên.
“Tuy nhiên, thời gian vừa qua tại các hội nghị chuyên ngành giữa hai nước, Trung Quốc có rất nhiều cảnh báo về việc vi phạm MSVT và MSĐG. Cụ thể, tháng 6/2020, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo cho cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam về 220 lô xoài (tương đương 3.300 tấn trong tổng số 750.000 tấn đã xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2019 và 2020 - chiếm khoảng 0,43% tổng lượng xuất khẩu) vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Đó là các vùng trồng: AG:3; ĐT:2; KH: 1; TG:5; VL:1; và 18 cơ sở đóng gói gồm: AG:4; ĐT:1; KH:2; TG:10; VL:1.
Do vậy, phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao công tác quản lý”, ông Thiệt nêu cụ thể.
Nguyên nhân là do nhiều địa phương chưa phân công một cơ quan chuyên môn làm đầu mối để thực hiện quản lý, giám sát và hướng dẫn đối với việc kiểm tra và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói đã dẫn tới việc không thống nhất trong quá trình xử lý công việc.
Việc quản lý mã số tại các một số địa phương vẫn còn lỏng lẻo, chưa được chú trọng, chưa xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số.
Sự liên kết chưa chặt chẽ trong việc kiểm soát hàng hóa xuất khẩu giữa vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã với các cơ quản lý ở địa phương, trung ương.
“Về phía doanh nghiệp xuất khẩu, đã xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp sử dụng không đúng mã số, mạo danh mã số của nhau để xuất khẩu. Điều này không những gây ảnh hưởng đến uy tín hàng trái cây Việt Nam xuất khẩu mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến các đơn vị chủ sở hữu mã số”, ông Thiệt bức xúc nói.

Quang Trí
Theo Bizlive



undefined