Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Gọi lại tên hành vi vi phạm trong thương vụ Grab-Uber?

12:00 | 14/02/2019

Cho dù Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (CT & BVNTD) đã kết luận vụ việc Grab mua lại Uber tại Việt Nam có những dấu hiệu vi phạm về “Hành vi không thông báo tập trung kinh tế” và “Hành vi tập trung kinh tế bị cấm" thì việc Hội đồng cạnh tranh trả lại hồ sơ cho cục cho thấy có thể những dấu hiệu vi phạm trên sẽ được xem xét lại, chứ không như kết luận ban đầu.

Hành vi sáp nhập của Grab-Uber sẽ được xem xét lại. Ảnh:TL

Trung tuần tháng 12/2018, Cục CT & BVNTD (Bộ Công Thương) đã hoàn tất kết luận điều tra vụ sáp nhập Uber vào Grab và thông báo những vi phạm trong vụ việc này. Sau đó, theo quy định của Luật cạnh tranh, vụ việc được chuyển cho Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh (độc lập với Cục) để tiếp tục xử lý. Thông thường thì Hội đồng cạnh tranh sẽ dành nhiều tháng xem xét và ra các quyết định xử phạt dựa trên kết luận mà Cục đã công bố. Tuy nhiên, riêng trường hợp vụ sáp nhập Uber vào Grab tại thị trường Việt Nam, sau hai tháng thụ lý và tiến hành các phiên điều trần, Chủ tọa phiên điều trần Phan Chí Hiếu đã ký quyết định đầu tháng 2/2019  trả hồ sơ để Cục CT& BVNTD điều tra bổ sung và làm rõ thêm một số vấn đề kỹ thuật trong vụ việc (thời hạn điều tra 60 ngày).

Theo thông tin của TBKTSG Online, điều tra bổ sung trong vụ việc này, tại thời điểm Uber sáp nhập vào Grab không phải là điều tra bổ sung để làm rõ hơn các vi phạm về “Hành vi không thông báo tập trung kinh tế” và “Tập trung kinh tế bị cấm”. Vì nếu chỉ tập trung vào các vi phạm này thì tại phiên xét xử, bên xét xử và bên bị xét xử hoàn toàn có thể đưa ra những chứng cứ nhằm tăng hoặc giảm, có lợi hoặc không có lợi cho mình mà không cần phải điều tra lại.

Đằng này, các chuyên gia về cạnh tranh khẳng định: Chỉ trong trường hợp thay đổi “nội dung” vi phạm, thay đổi kết luận về hành vi vi phạm thì Hội đồng xét xử mới yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ. Như quy định “trả hồ sơ để điều tra bổ sung” thì “Trường hợp nhận thấy các chứng cứ thu thập được chưa đủ để xác định hành vi vi phạm quy định của luật này, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung” (điều 100 Luật cạnh tranh).

Vẫn nguồn tin của TBKTSG Online cho biết, nhìn “bề mặt” vụ việc Uber sáp nhập vào Grab tại Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam hồi tháng 3/2018 có dấu hiệu vi phạm “tập trung kinh tế không thông báo” và luật Cạnh tranh cấm hành vi này đối với các cuộc sáp nhập mà sau sáp nhập các doanh nghiệp chi phối hơn 50% thị trường, hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ hiện có.

Nhưng ngay trong quá trình Cục CT& BVNTD điều tra và ra kết luận chính thức, giới chuyên gia cạnh tranh đã từng phân tích khác nhau. Như mục tiêu của tập trung kinh tế là nhằm “kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp mua lại”. Song Grab mua lại Uber Đông Nam Á và đổi lại chuyển cho Uber 27,5% cổ phần tại Grab, đưa người của Uber vào ban lãnh đạo Grab không giúp Grab kiểm soát, chi phối toàn bộ Uber BV tại Hà Lan, cũng không giúp Grab kiểm soát, chi phối một ngành nghề của Uber BV vì Uber còn hoạt động ở rất nhiều quốc gia khác nhau. Do đó, dấu hiệu “tập trung kinh tế” chỉ là bề nổi mà dấu hiệu “thỏa thuận hạn chế cạnh tranh” là rõ hơn rất nhiều.

Như trong thông báo của Grab tại thời điểm sáp nhập, đây là thỏa thuận thu mua lớn nhất của các bên tại Đông Nam Á. Thỏa thuận này và những điều kiện đi kèm về cổ phần đổi lại, về việc Uber rút lui và đơn phương chấm dứt hợp đồng với đối tác, khách hàng... cho thấy rất có thể đây là thỏa thuận của nhóm doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường (vi phạm điều 1, khoản 2 của luật) có cùng hành động nhằm gây hạn chế cạnh tranh vì hai doanh nghiệp này có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan như kết luận của Cục CT& BVNTD.

Vụ việc này cũng có thể được xem lại ở điều 8, Luật cạnh tranh với các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm như: thỏa thuận phân chia lại thị trường, cung ứng dịch vụ (Uber rút khỏi Đông Nam Á để Grab “bao sân”), thỏa thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng (đơn phương chấm dứt hợp đồng với đối tác-tài xế để tài xế muốn tiếp tục kinh doanh phải qua ký hợp đồng với Grab với điều kiện khác). Nhất là các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên.

Như vậy, vẫn theo nguồn tin của TBKTSG Online, hành vi tập trung kinh tế chỉ là một trong những dấu hiệu chứng tỏ các “vi phạm về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm và “lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường” mà Uber và Grab có thể bị xem xét và vụ việc tại Hội đồng cạnh tranh sẽ gọi lại tên hành vi vi phạm của các doanh nghiệp này.

Theo luật, mức phạt đối với các vi phạm nêu trên, nếu không chuyển qua xử lý hình sự thì tối đa là 10% tổng doanh thu của tổ chức, cá nhân vi phạm trong năm tài chính liền kề trước đó. Tuy nhiên, việc cần xử lý “đúng người, đúng tội” là nguyên nhân khiến cho hồ sơ vụ việc đã bị trả lại nơi điều tra ban đầu.

Ngọc Lan
Theo Saigontimes

undefined