Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo “nín thở” chờ đợi quyết định của Thủ tướng

12:00 | 06/04/2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương có văn bản chính thức báo cáo về vấn đề xuất khẩu gạo trước ngày 6/4, đảm bảo nguyên tắc đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước trong mọi tình huống.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo “nín thở” chờ đợi quyết định của Thủ tướng
Ảnh minh họa.

"Bảo đảm lương thực phải dư dả cho 100 triệu dân, không chỉ đủ ăn mà còn dự trữ và thực hiện các nhiệm vụ khác như hỗ trợ gạo để trồng rừng, học sinh miền núi…; không chỉ bảo đảm về số lượng và chất lượng, bảo đảm giá cả cho người nông dân mà đi liền với đó là cấm đầu cơ tích trữ nâng giá", Thủ tướng đã đặt yêu cầu với người đứng đầu các cơ quan bộ ngành tại cuộc họp chiều 31/3.

Thủ tướng nhấn mạnh, xuất khẩu là cần thiết, là thế mạnh của nước ta nhưng trong bối cảnh hiện nay thì xuất khẩu phải có kiểm soát để bảo đảm an ninh lương thực.

"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), các cơ quan chức năng cũng như các địa phương trong cả nước chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trong đó đặc biệt là sản xuất lương thực để các vùng, miền có đất lúa, đặc biệt là lúa nước cố gắng đảm bảo cân đối được lương thực, đồng thời những vùng có năng suất cao, chất lượng tốt, đẩy mạnh xuất khẩu lương thực, "không phải bế quan tỏa cảng", Thủ tướng chỉ đạo.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương có văn bản chính thức báo cáo về vấn đề xuất khẩu gạo trước ngày 6/4, đảm bảo nguyên tắc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước trong mọi tình huống, tuyệt đối không để xảy ra thiếu lương thực trong bối cảnh thời tiết, khí hậu, dịch Covid-19.

Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ Tài chính khẩn trương mua đủ số lượng 190.000 tấn gạo, 90.000 tấn thóc và có thể mua cao hơn để dự trữ theo chỉ tiêu dự trữ quốc gia năm 2020 đã được phê duyệt, đáp ứng kịp thời các yêu cầu đột xuất, cấp bách.

Ngân hàng không giải ngân từ ngày 24/3, khiến doanh nghiệp khó chồng khó
Từ khi tiếp nhận quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo ngày 24/3/2020 đến nay, tâm trạng của hầu hết các doanh nghiệp là lo lắng không yên vì chi phí phát sinh. Để có tiền kinh doanh đa phần họ phải vay ngân hàng, bây giờ gạo không xuất khẩu được, áp lực trang trải chi phí nhất là tiền trả lương nhân viên, trả lãi ngân hàng,… Trong khi đó, cũng từ ngày 24/3 đến nay hầu hết các ngân hàng đều không giải ngân, khiến cho doanh nghiệp càng khó khăn hơn!
Ông Trần Tuấn Kiệt, Phó Tổng giám đốc mảng gạo Công ty TNHH TM-DV-XNK Dung Nam cho biết, hợp đồng gạo đã ký với đối tác rồi và khách hàng cũng đã chuyển 30% giá trị hợp đồng, bây giờ bị hoãn lại nên vướng đủ thứ, công ty không xoay xở được vì bao bì đã in rồi, hàng hoá đã mua đủ ở kho và một số đang ở ngoài cảng nhưng vì lệnh dừng xuất khẩu đột ngột quá nên chưa xuống hàng được.
Ông Trần Tuấn Kiệt, Phó Tổng giám đốc mảng gạo Công ty TNHH TM-DV-XNK Dung Nam.
“Công ty ký bán cho đối tác Philippines 15.000 tấn gạo, giao hàng trong tháng 4 xuất 7.500 tấn gạo thơm trắng ĐT8 và tháng 5 sẽ xuất 7.500 tấn, nhưng bây giờ không thể nào giao hàng cho khách hàng được.
Chúng tôi là công ty xuất khẩu, khi dừng xuất khẩu thì công ty không hoạt động được, 2 nhà máy chế biến gạo một là ở TP. Sa Đéc, 2 ở huyện Tân Hồng thuộc tỉnh Đồng Tháp cũng ngừng hoạt động, tất cả chi phí như tiền lương công nhân, nhân viên, tiền lãi ngân hàng,... trong khi đó, ngân hàng lại không giải ngân khiến mọi thứ đang trở nên rất khó khăn”, ông Kiệt chia sẻ.
"Về phía đối tác khách hàng, vì đều là khách hàng tiềm năng của công ty nên tôi đã liên hệ đàm phán và được thông cảm vì họ biết công ty không thể giao hàng là do lệnh dừng xuất khẩu gạo là chủ trương của Chính phủ trong thời điểm hệ trọng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên họ chấp nhận chờ đến khi Chính phủ cho xuất khẩu gạo lại.
Tuy nhiên, trong thời gian này doanh nghiệp chúng tôi chịu nhiều thiệt thòi quá, thông thường một đơn hàng kể cả đặt bao và lên hợp đồng thường khoảng 15 ngày, bây giờ hàng đã đóng xong chuẩn bị xuất khẩu giao cho đối tác, nhưng không xuất được, vì ngoài 30% tiền cọc của đối tác công ty chúng tôi phải đi vay ngân hàng mới có tiền mua đủ lượng gạo giao, sau khi khách nhận hàng xong họ mới trả tiếp 70% còn lại".
Ông Kiệt chia sẻ thêm: "Từ ngày 24/3, đúng ra phải giao gạo cho khách hàng thì đến nay vẫn còn nằm ở cảng, công ty thì vẫn phải đóng lãi cho ngân hàng, chúng tôi chưa tính được là mức thiệt hại mỗi ngày là bao nhiêu nhưng sẽ là con số rất lớn, vì công ty chúng tôi vừa thu mua nguyên liệu gạo xô vào chế biến, vừa xuất nên hàng hóa luân chuyển trong kho và dòng tiền cũng luân chuyển liên tục, ngừng xuất khẩu đột ngột tất cả mọi việc đều kẹt cứng, còn phía ngân hàng thì không giải ngân cho doanh nghiệp.
Nếu trong tháng 4 này Chính phủ vẫn chưa cho xuất khẩu gạo lại thì chúng tôi điêu đứng, vì không có tiền đóng lãi ngân hàng, tiền trả lương của tất cả cán bộ công nhân viên trong công ty. Gạo thì chất đầy trong kho mà tiền thì không có, muốn mua lúa cho dân cũng không có tiền mà mua, mà giá gạo như hiện nay thật sự chúng tôi không dám mua vào. Loay hoay chưa có giải pháp gì".
Đồng cảnh với ông Kiệt, ông Nguyễn Vĩnh Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết: "Công ty Việt Hưng cũng đang bị kẹt ngoài cảng khoảng 60 container hàng và một lượng lớn còn trên xà lan. Chúng tôi đang xin hãng tàu giảm tiền lưu container, lưu bãi, chúng tôi có niềm tin là Thủ tướng Chính phủ sẽ cho xuất khẩu đi những số gạo này".
Doanh nghiệp đang "nín thở" đợi quyết định của Thủ tướng
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Gentraco cho biết, hầu hết các doanh nghiệp thành viên VFA đều "nín thở" và đang mong chờ đến ngày 06/4 đón nhận quyết định về xuất khẩu gạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, Myanmar đang ngưng xuất khẩu gạo và VFA đang nắm lại tình hình mình ở đây, và đang coi tình hình giới nghiêm ở Thái Lan có ảnh hưởng gì đến hoạt động xuất khẩu gạo của nước này hay không, cũng đang tìm hiểu lượng gạo trắng xuất khẩu của họ nhưng chưa có thông tin nhiều.
“Mặc dù qua thông tin báo chí cho biết là Thái Lan vẫn xuất khẩu gạo bình thường nhưng theo chúng tôi biết thì lượng gạo bán ra của họ không nhiều.
Hiện giá gạo 5% tấm của Thái Lan đang rất cao, như vậy sẽ tốt cho Việt Nam. Nếu trong điều kiện khi xem xét đủ lượng gạo dư cho dữ trữ, Thủ tướng cho xuất khẩu gạo trở lại trên thị trường thì đã có mặt bằng giá xuất mới, chúng ta căn cứ theo giá xuất khẩu của Thái Lan chào giá gạo Việt Nam, đây là cơ hội tốt cho gạo Việt Nam.
Bên cạnh đó, các nước Đông Âu, như Nga đang hạn chế xuất khẩu lúa mì, cho dù lượng gạo xuất khẩu Việt Nam có nhiều nhưng thế giới đang trong tâm lý lo sợ dịch bệnh, nên khi Việt Nam xuất khẩu gạo trở lại quá nhiều nước hỏi mua, có khi lại gây khó cho chúng ta”, ông Kiên nói.
Vẫn theo ông Kiên, VFA đang tập hợp tình hình của các nước và cập nhật thường xuyên với các hội viên trong Hiệp hội, để từng hội viên nhận định và có sự chủ động trong quyết định của từng doanh nghiệp.
Thứ nhất, là tuân thủ đúng các quy định của nhà nước và thứ hai là VFA sẽ tập hợp những thông tin về thị trường, Myanmar hiện đã ngừng cấp giấy phép xuất khẩu gạo, Thái Lan thì vẫn xuất, riêng Việt Nam thì đang chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài Thái Lan, Trung Quốc cũng là nước xuất khẩu gạo lớn nhưng do nước này đang bị ảnh hưởng bởi vấn đề lúa mì ở Nga. Tồn kho gạo của Trung Quốc cả trăm triệu tấn, chỉ lo khi Trung Quốc bán ra thì Việt Nam sẽ mất thị trường gạo cấp thấp, còn Ấn Độ đang lockdown nên không mua bán gì được.
"Ở góc độ và khả năng của mình thì VFA chỉ có thể tập hợp dữ liệu thông tin về thị trường để cung cấp cho Bộ Công Thương và các doanh nghiệp thành viên trong Hiệp hội”, ông Kiên nói.

QUANG TRÍ

Theo Bizlive

undefined