Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Doanh nghiệp làm gì trong xu hướng đổi mới sáng tạo?

12:00 | 14/09/2018

Trong ba năm vừa qua, các CEO cũng như quản lý cấp cao trong doanh nghiệp rất bối rối trước các xu hướng và chuyển đổi trong kinh doanh như đổi mới sáng tạo (TBKTSG có loạt bài trong tháng 7) khởi nghiệp trong doanh nghiệp và cuối cùng là làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0. Lật giở các tờ báo, tài liệu, những khái niệm chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, trí thông minh nhân tạo, tự động... ngày càng xuất hiện dày đặc. Đứng trước sự thay đổi nhanh, nhiều và sâu sắc như vậy, các nhà doanh nghiệp sẽ tự hỏi: “Chúng ta bắt đầu từ đâu và hướng tới kết thúc như thế nào trong làn sóng đổi mới sáng tạo, làm mới doanh nghiệp để đáp ứng các thách thức này?”.

“Để thích ứng với các thay đổi từ bên ngoài nhằm triển khai đổi mới sáng tạo bên trong doanh nghiệp, các CEO nên thực thi đổi mới sáng tạo bắt đầu bằng 10 câu hỏi cụ thể như sau:

1. Khách hàng của chúng ta đang thay đổi những gì trong nhu cầu, hành vi và trải nghiệm của họ khi mua hàng.
2. Các thách thức hay đe dọa chúng ta từ các thay đổi mang tính chất xu hướng trên thị trường là gì.
3. Chúng ta có thể thay đổi mô hình kinh doanh dựa trên chuỗi giá trị kiến tạo cho khách hàng như thế nào.
4. Đâu là những năng lực cốt lõi từ công nghệ 4.0 chúng ta có thể sử dụng và triển khai so với đối thủ cạnh tranh.
5. Chúng ta đã thực sự đầu tư và phát triển những năng lực cốt lõi liên quan tới đáp ứng nhu cầu khách hàng - xử lý các thách thức trong câu 2 hoặc cải tiến hoặc thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh dựa trên cấu hình lại chuỗi giá trị.
6. Nguồn nhân lực của chúng ta có đủ năng lực, lãnh đạo và cam kết thực thi những điều nói trên hay không.
7. Công ty có thực sự có lãnh đạo cam kết và thực hiện tất cả những chuyển đổi nói trên hay không.
8. Công ty đã thực sự thay đổi cấu trúc đáp ứng song hành với những vấn đề nói trên hay chưa.
9. Văn hóa doanh nghiệp có tương thích, cộng hưởng với những thay đổi nói trên.
10. Tốc độ triển khai của tất cả những điều nói trên đã đủ nhanh và quyết liệt so với đối thủ cạnh tranh hoặc thị trường thay đổi.

Mười câu hỏi nói trên có thể giúp cho mọi doanh nghiệp bình tĩnh đánh giá và đưa ra những quyết định sáng suốt trong giai đoạn chuyển đổi đầy khó khăn.

Chúng ta có thể thấy qua trường hợp một công ty gieo trồng và cung ứng gạo cho thị trường Việt Nam. Ví dụ, xu hướng khách hàng là tiêu dùng các sản phẩm gạo sạch và truy xuất nguồn gốc tại thị trường Việt Nam cũng như trên thế giới. Khách hàng có xu hướng trải nghiệm mua hàng thông qua điện thoại thông minh.

Liên hệ với câu hỏi 2 nói ở phần trên, xu hướng thị trường là yêu thích sử dụng các sản phẩm xanh, sạch và có thương hiệu uy tín. Đứng trước nhu cầu và xu hướng của khách hàng, công ty quyết định thay đổi mô hình kinh doanh bán trực tiếp cho khách hàng có hỗ trợ trên điện thoại thông minh thông qua đại lý. Hàng ngàn đại lý sẽ được kết nối thông qua các ứng dụng (app) giữa công ty, khách hàng và các đại lý. Khi khách hàng đặt hàng, các đơn hàng sẽ tự động kết nối giữa vị trí khách hàng với đại lý mà khách hàng hay mua hoặc với đại lý gần nhất để khách hàng lựa chọn. Thông qua app, công ty có thể gia tăng giá trị cho đại lý thông qua các chương trình tiếp thị hoặc hỗ trợ khuyến mãi tối ưu hóa cho từng khu vực.

Khi triển khai đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cần những hướng dẫn ngắn gọn, đơn giản, có thể áp dụng trong mọi trường hợp và lĩnh vực ngành nghề.

Toàn bộ nhân viên và cấp quản lý của doanh nghiệp được đào tạo và nâng cấp kỹ năng làm việc số hóa tương thích với các thay đổi trong doanh nghiệp. Song hành với việc đào tạo lại nhân lực, cấu trúc doanh nghiệp được phân quyền nhằm trao sự tự chủ nhiều hơn cho các cấp quản lý cùng với hệ thống đánh giá KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc) trên ứng dụng thời gian thực cho mọi vị trí. Lãnh đạo doanh nghiệp kiên quyết thay đổi thông qua các chương trình tái định nghĩa văn hóa doanh nghiệp, thay đổi cách thức làm việc đáp ứng các đòi hỏi mới. Cuối cùng, toàn bộ các hoạt động trên cần được thực hiện nhanh nhất trước các đối thủ cạnh tranh trong cùng ngành.

Khi triển khai đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cần những hướng dẫn ngắn gọn, đơn giản, có thể áp dụng trong mọi trường hợp và lĩnh vực ngành nghề. Các công nghệ 4.0 chính là những công cụ hoặc nền tảng để thực hiện các đổi mới sáng tạo nói trên trong thực tế.

Doanh nghiệp có thể áp dụng đổi mới sáng tạo trên ba cấp độ. Cấp độ 1: cải tiến hoặc đột phá kiến tạo lại giá trị cho khách hàng với giải pháp truy xuất nguồn gốc gạo. Cấp độ 2: đổi mới sáng tạo lại mô hình kinh doanh kiến tạo và chuyển giao giá trị tới khách hàng, giải pháp kết nối giữa khách hàng và các đại lý. Cấp độ 3: cấu trúc hoặc thay đổi lại các chức năng trên chuỗi giá trị doanh nghiệp đang thực hiện, ví dụ các phương thức tiếp thị, quản lý KPI thời gian thực. Toàn bộ ba cấp độ nói trên giải quyết các vấn đề cốt tử của các câu hỏi từ 1 đến 3 trong 10 câu hỏi trên.

Doanh nghiệp cần phải có hệ thống thực hiện những mục nói trên, đó là nền tảng thực thi trong doanh nghiệp, bao gồm năng lực trong câu hỏi 4-5, nguồn nhân lực và lãnh đạo thực thi trong câu hỏi 6-7, hệ thống văn hóa và cấu trúc doanh nghiệp trong câu 8-9, và cuối cùng tốc độ thực thi là yếu tố quan trọng nhất trong doanh nghiệp 4.0.

Doanh nghiệp như một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Mười câu hỏi trong bài viết tạo ra một gợi ý thúc đẩy và triển khai đổi mới sáng tạo theo một hệ thống cân bằng và tương tác lẫn nhau. Các dự án đổi mới sáng tạo cần áp dụng đồng bộ cả 10 câu hỏi nhằm tạo ra những thay đổi từ đổi mới sáng tạo hiệu quả trong doanh nghiệp.

 

Vũ Tuấn Anh
(*) Chuyên gia về chuyển đổi số - đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp


Theo Thesaigontimes

undefined