Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long đối mặt năm khó khăn lớn nhất trong vài thập kỷ

12:00 | 01/09/2021

Trong 3 tháng qua đã có 10 nghìn doanh nghiệp ĐBSCL phải rời khỏi thị trường, trong khi 6 tháng đầu năm chỉ khoảng 6 nghìn doanh nghiệp đóng cửa.

Tại buổi đối thoại doanh nghiệp "Giải pháp kinh tế và pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giai đoạn COVID-19" diễn ra ngày 31/8, các chuyên gia đánh giá đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp trên cả nước nói chung và doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng.
Minh chứng cho điều đó là hàng chục nghìn doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường hoặc "chết lâm sàng".
90% DOANH NGHIỆP ĐBSCL NGƯNG HOẠT ĐỘNG TRONG 3 THÁNG QUA
Theo ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại TP.Cần Thơ, đợt dịch COVID-19 lần thứ tư đã gây khủng hoảng cho toàn miền Nam, đặc biệt là khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL - nơi mà ngành sản xuất chế biến đang bị ảnh hưởng toàn bộ. Ông đánh giá với 19 tỉnh thành phía Nam đây là khủng hoảng nặng nề nhất.
Ông Lam cho biết, trong vòng hai tháng qua khu vực 13 tỉnh miền Tây đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Số ca nhiễm tại ĐBSCL lên tới hơn 60 nghìn ca, mặc dù không lớn như TP.HCM nhưng đã nằm rải rác ở hầu hết 13 tỉnh, ở các thành phố, các huyện thị. Hiện nay, Chính phủ đã áp dụng Chỉ thị 16, thậm chí 16+ với các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hơn. Điều này khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực đều bị "đóng băng".
Theo ghi nhận của VCCI Cần Thơ, trong 3 tháng qua đã có 10 nghìn doanh nghiệp ĐBSCL phải rời khỏi thị trường, trong khi 6 tháng đầu năm chỉ khoảng 6 nghìn doanh nghiệp đóng cửa. Con số các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong ba tháng qua cũng lên tới gần như là 90%. Doanh thu trong quý 2 của các doanh nghiệp khu vực theo khảo sát của VCCI cũng giảm 40-50% và chỉ có một nửa số doanh nghiệp đáp ứng được việc duy trì 50% hoạt động.
Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ cho rằng, ĐBSCL khác với các khu vực khác. Nếu ngành chế biến, chế tạo có thể lưu trữ được, có thể chờ đợi được mặc dù ảnh hưởng chung về thị trường, về năng lực sản xuất và về giao hàng, về giải quyết việc làm nhưng ở ĐBSCL còn khó hơn thêm một điểm là ngành chủ lực là chế biến nông, thủy sản mà ngành này nguyên liệu toàn tôm, cá, rau, củ, quả không thể không thu hoạch.
"Hiện nay các tỉnh đang áp dụng Chỉ thị 16 nên việc thu hoạch hầu như là ngưng trệ hết, mà không thu hoạch được đó là một tổn thất lớn cho nông dân. Thêm nữa nếu có thu hoạch được cũng khó khăn trong khâu bảo quản, lưu trữ bởi hàng nông sản, thủy sản phải có kho lạnh, phải có những điều kiện bảo quản nhất định, kể cả thời hạn bảo quản cũng có hạn", ông Lam phân tích.
Từ đặc thù trên, ông Lam cho rằng, nếu việc này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu. Hàng nông sản, thủy sản không thể nào có ngay trong một thời gian ngắn mà phải cần thời gian để nuôi trồng nhưng trong bối cảnh mà các nông trại, hộ nông dân đều phải "đóng băng" hoạt động thì sẽ không thể tái sản xuất. Do đó, sắp tới có thể dẫn đến khủng hoảng về lương thực, về sản xuất nông, thủy sản. Như vậy, từ nông dân đến trung gian thu mua và doanh nghiệp đều bị tê liệt trong một thời gian.
Phân tích thêm về khó khăn của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Phương Lam cho biết, các doanh nghiệp đang gặp khó về sự phối hợp giữa các địa phương trong vùng. 13 tỉnh có 13 chỉ đạo, chính sách khác nhau, những quy định khác nhau trong khi đó quá trình sản xuất phải lưu thông từ cánh đồng đến nhà máy và nơi tiêu thụ thì không thể chỉ trong một địa phương. Như vậy, khó khăn này đang gây cản trở rất lớn cho hệ thống logistics và lưu thông hàng hóa tại ĐBSCL.
Thứ nữa là khá nhiều doanh nghiệp than phiền lẽ ra trong quá trình sản xuất phải ưu tiên vắc xin cho doanh nghiệp sản xuất và người lao động nhưng thực tế một số tỉnh làm tốt, còn một số chưa có chú trọng. Điều này dẫn đến hiện nay một số doanh nghiệp muốn sản xuất cũng không được.
Cùng với đó, các doanh nghiệp đều đánh giá phương án sản xuất “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 điểm đến” là không khả thi trong thời gian dài, bởi tạo ra hao tổn và không an toàn cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ về tài chính, ngân hàng vẫn chưa thực chất đến được doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đóng cửa nhưng đang rất lo lắng nếu không có một sự hỗ trợ nào thì khả năng phá sản đang trong tầm tay.
Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động hiện nay cũng còn bất cập, tức là chính sách, quy định thì có nhưng khi xuống các địa phương sự hướng dẫn, sự triển khai chưa đồng nhất và chưa thông suốt.
Ngoài ra, ông Lam cho hay, thời gian vừa qua rất nhiều địa phương buộc phải áp dụng theo quy định của Bộ Y tế là giãn cách, 3 tại chỗ, tuy nhiên có những doanh nghiệp áp dụng, đáp ứng đủ các điều kiện nhưng vẫn bị yêu cầu phải ngưng hoạt động để cùng nhau phòng chống dịch. Đối với doanh nghiệp có nhiều nhà máy, đóng chỗ này họ mở chỗ kia nhưng có những doanh nghiệp đầu tư một chỗ rất lớn bị yêu cầu đóng cửa thì coi như mọi hoạt động sản xuất đều tê liệt.
KHÔNG KHAI THÔNG VẬN CHUYỂN, NGUY CƠ KINH TẾ TOÀN VÙNG “CHẾT LÂM SÀNG”
Đánh giá về tác động của đại dịch, TS.Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.Sóc Trăng cho rằng, COVID-19 là một “cú đòn” lịch sử giáng lên toàn bộ các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP.HCM – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước và khu vực ĐBSCL khi lần đầu tiên phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng trên diện rộng.
"Mặc dù Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách để phòng chống COVID-19, quyết tâm thực hiện 'mục tiêu kép'. Nhưng do diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh, nên nhiệm vụ duy trì sản xuất, phát triển kinh tế là rất khó khăn, thời gian gần đây có tình trạng 'đóng băng' nhiều hoạt động kinh tế, thậm chí là nhiều doanh nghiệp đã 'chết lâm sàng'", ông Tâm cho biết.
Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.Sóc Trăng thời gian tới, ít nhất đến giữa quý 4 tình hình doanh nghiệp vẫn hết sức khó khăn, có khả năng sẽ tiếp tục có hàng chục nghìn doanh nghiệp phải rời thị trường, nhất là khi Chính phủ áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt hơn.
Với dự báo cả trăm nghìn doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường trong năm 2021, ông Tâm đánh giá đây chính là "năm khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp trong vài thập kỷ trở lại đây".
Tại khu vực ĐBSCL, ông Tâm cho biết, điều nhìn thấy rõ nhất thời gian qua là khó khăn trong lưu thông hàng hoá. Do toàn bộ Miền Nam áp dụng Chỉ thị 16, một số địa phương còn đặt thêm các điều kiện khiến hoạt động vận tải rất khó khăn.

Tình trạng dừng hoạt động của ngành vận tải khiến hàng triệu tấn lúa tại khu vực ĐBSL bị ùn ứ, trong khi nhiều tàu hàng nước ngoài vẫn phải đợi ở phao số 0 chờ hàng. Nhiều mặt hàng nông, thủy sản cũng bị ùn ứ, không thể vận chuyển.

Ngoài việc áp dụng Chỉ thị 16, một số địa phương còn tự đặt ra các quy định riêng, gây khó, làm ách tắc và gián đoạn quá trình lưu thông hàng hoá. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí vận chuyển rất cao (gấp 2-3 lần bình thường).
Ông Tâm cho biết, cách đây ít ngày, có tới 8 hiệp hội phải gửi đơn cầu cứu Thủ tướng và Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các tỉnh, thành phố không được đặt thêm các điều kiện trong lưu thông. Cũng đến thời điểm này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải mới phát ngôn điều rất đúng là “hàng hoá nào cũng là hàng hoá thiết yếu”.
"Tôi cho rằng, khai thông được khâu vận chuyển hàng hoá là điểm cốt tử để duy trì lưu thông mạch máu kinh tế. Nếu không làm được điều này, thì thậm chí chúng ta phải đối mặt với nguy cơ kinh tế toàn vùng 'chết lâm sàng'", ông Tâm nhìn nhận.
Theo ông Tâm, một trong những giải pháp quan trọng trong lưu thông hàng hoá, ngoài việc duy trì các "luồng xanh" thông suốt, thuận lợi, thống nhất thủ tục trong cả nước, thì nhất định phải ưu tiên tiêm vắc xin cho 100% đội ngũ tài xế.
Bên cạnh đó, ông cho rằng mô hình "3 tại chỗ" nếu áp dụng trong thời gian ngắn (khoảng 2 tuần) thì được, nhưng nếu áp dụng thời gian dài sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.
Ông lấy ví dụ, trong thời gian giãn cách, một số doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” chỉ hoạt động cầm chừng, sản xuất với 20-30% công suất. Có doanh nghiệp cả ngàn lao động, nhưng khi thực hiện “3 tại chỗ”, do các yêu cầu phòng dịch nghiêm ngặt, họ chỉ có thể bố trí được 200-250 công nhân làm việc, không đảm bảo hoạt động theo dây chuyền sản xuất. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận lỗ để duy trì sản xuất, giữ đơn hàng, nhưng có một số doanh nghiệp không thể tiếp tục duy trì sản xuất được.
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Tâm nhấn mạnh việc mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh phụ thuộc vào tốc độ tiêm vắc xin cho người dân bởi độ bao phủ của vắc xin sẽ quyết định đến việc sớm mở lại các hoạt động kinh tế.
Bên cạnh đó, ông tâm cho rằng, ngay từ bây giờ, Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện các chính sách tài chính, tín dụng thật tốt để tạo đòn bẩy mạnh mẽ khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh được mở lại.
"Điều đáng mừng là trong thời gian qua Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản về vấn đề này, gần đây một số ngân hàng thương mại lớn đã tuyên bố có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng biện pháp hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, chính sách cần phải mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là vấn đề cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp", ông Tâm nói.
Ông cũng đề xuất ngoài cam kết của các ngân hàng, Chính phủ nên hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Cùng với đó là các chính sách miễn, giảm, giãn thuế phải hợp lý và thực chất.
Bàn thêm về giải pháp, ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, trong quá trình làm việc ông nhận được rất nhiều câu hỏi của doanh nghiệp về chính sách. Để tháo gỡ vấn đề nghẽn thông tin, các hiệp hội tại TP.HCM cũng đã thông tin ngay đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, thông tin có hai phần là chính sách, giải pháp từ trung ương và các giải pháp của từng địa phương. Cho nên các doanh nghiệp nên thông qua các hiệp hội để cập nhật thông tin.
Ngoài ra, trước khi chính quyền ban hành các chính sách thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động, liên kết lại, thông qua các hiệp hội để truyền đạt đề xuất, kiến nghị lên trên.
"Không ai hiểu doanh nghiệp bằng doanh nghiệp nên giai đoạn hiện nay doanh nghiệp phải chủ động sắp xếp. Dù Chính phủ và chính quyền các địa phương đã đề ra lộ trình kiểm soát dịch, tuy nhiên vẫn phải xác định tinh thần chung sống với COVID nên các doanh nghiệp cũng cần chủ động chuẩn bị các phương án để sản xuất cho phù hợp với tình hình mới", ông An nhấn mạnh.

HOÀNG HÀ

Theo Bizlive

undefined