Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Cụm công nghiệp Hà Nội: chỉ còn gần 1/3 doanh nghiệp duy trì sản xuất

12:00 | 07/09/2021

Đến giữa tháng 8, chỉ 1.077 trong số 3.600 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các cụm công nghiệp ở Hà Nội còn duy trì hoạt động nhờ áp dụng "3 tại chỗ"…

Thủ đô Hà Nội đang hiện thực hiện giãn cách xã hội nên chỉ các nhà máy, xí nghiệp sản xuất tại các cụm công nghiệp có phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” được duyệt mới được phép hoạt động. Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, đến giữa tháng 8/2021, chỉ có 1.077 trong 3.600 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các cụm công nghiệp Hà Nội duy trì hoạt động.

MÔ HÌNH MỚI BỘC LỘ NHIỀU BẤT CẬP

Theo phản ảnh từ các doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ” thì phần lớn đều đang gặp khó khăn do phát sinh chi phí sản xuất, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh đều giảm. Mặt khác, từ trước khi Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16, một số doanh nghiệp đã dừng hoạt động, phải thu hẹp quy mô sản xuất, bình quân chỉ còn khoảng 80% so với trước đây. Vì thế đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, cung ứng hàng hóa, bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, thu nhập cho người lao động.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, giải pháp “3 tại chỗ” trước đây được áp dụng thành công ở tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, song khi triển khai ở địa bàn khác lại phát sinh nhiều bất cập. Bộ Công Thương đã có Văn bản gửi Bộ Y tế đề xuất bổ sung các hình thức sản xuất khác để doanh nghiệp lựa chọn, như người lao động được về nhà và cam kết bảo đảm “1 cung đường, 2 điểm đến” với chính quyền địa phương và doanh nghiệp (bảo đảm các biện pháp an toàn tương tự trường hợp F1 tự cách ly tại nhà và di chuyển theo tuyến cố định, không dừng dọc đường); sửa đổi một số quy định liên quan đến hoạt động sản xuất trong các trung tâm công nghiệp, cũng như có thể không yêu cầu người lao động phải ở trong nhà máy.

Đối với các doanh nghiệp được phép hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”, do nhiều nguyên nhân cũng đã bộc lộ những bất cập, như làm phát sinh chi phí sản xuất, năng suất lao động giảm, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh không được bảo đảm...

Trước tình hình dịch Covid-19 dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp và kéo dài, để bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì thúc đẩy các hoạt động sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, Sở Công thương Hà Nội kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, ưu tiên hoàn thành tiêm chủng vaccine cho công nhân lao động trong các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố trong thời gian sớm nhất.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cũng cho rằng đẩy nhanh tiêm vaccine là giải pháp tốt nhất để phòng chống dịch lúc này. Nếu chúng ta chậm tiêm vaccine, sẽ chậm “cuộc chơi” so với thế giới. Ngoài nguồn vaccine của Chính phủ, cũng nên có cơ chế để doanh nghiệp tự tìm kiếm và chi trả để tiêm cho người lao động.

Hiện tại, các doanh nghiệp cũng kiến nghị bổ sung điều kiện cụ thể cho phép doanh nghiệp được hoạt động trở lại, từ 30% đến 100% như trước thời điểm dịch bệnh diễn ra tùy theo điều kiện bảo đảm an toàn của doanh nghiệp và kết quả phòng, chống dịch Covid-19.

NHIỀU QUYẾT SÁCH KỊP THỜI

Tin vui với cộng đồng doanh nghiệp là Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, Chính phủ có chính sách giãn, hoãn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng.

Mới đây, Hà Nội cũng đã ban hành và triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó, Hội đồng Nhân dân Thành phố đã ban hành các nghị quyết hỗ trợ gần 500 tỷ đồng cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn thành phố; rà soát, giãn, hoãn hơn 17.500 tỷ đồng tiền thuế cho các doanh nghiệp. Việc ban hành các chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ phần nào cho các doanh nghiệp “3 tại chỗ”, ngày 30/8 Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã có hướng dẫn các cấp Công đoàn thực hiện Quyết định số 3089/QĐ-TLĐ ngày 24/8/2021 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về việc hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” của doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Trong đó, nội dung và đối tượng phải đủ các điều kiện như: Đoàn viên Công đoàn có thời gian làm việc “3 tại chỗ” ít nhất 10 ngày trở lên, kể từ ngày 24/8/2021; doanh nghiệp đã đóng đủ kinh phí công đoàn theo Nghị định 191/NĐ CP và nộp Báo cáo quyết toán thu chi tài chính công đoàn cơ sở theo quy định từ năm 2018 đến 30/6/2021.

Mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người, hỗ trợ một lần. Thời điểm thực hiện hỗ trợ được tính từ ngày 24/8/2021 (thời điểm Quyết định có hiệu lực).

Về hồ sơ đề nghị, doanh nghiệp và công đoàn cơ sở thực hiện phương án “ba tại chỗ” thuộc đối tượng, đủ điều kiện hỗ trợ, hoàn thiện hồ sơ đề nghị gửi về công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, gồm: văn bản đề nghị và danh sách đoàn viên, người lao động làm việc “3 tại chỗ”;  bản sao phương án “3 tại chỗ” tại doanh nghiệp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đã triển khai thực hiện; bản sao hợp đồng lao động của người lao động đề nghị hỗ trợ. Thời gian nộp hồ sơ: Chậm nhất sau năm ngày kể từ khi hết thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội giao Ban Tài chính phối hợp với Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động tham mưu văn bản triển khai, hướng dẫn đến các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; chuẩn bị kịp thời nguồn kinh phí hỗ trợ; hướng dẫn, chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quyết toán theo đúng quy định của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Lưu Hà

Theo VnEconomy

undefined