Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp Việt Nam (kỳ 2)

12:00 | 09/08/2018

Câu đáp về pháp luật doanh nghiệp, đầu tư ngày 8/8/2018.

Câu 1. Tôi là Trần Bá Kiên (Hà Nam), 2/2017 tôi cùng hai người bạn được cấp GCN đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh Hà Nam cấp, loại hình là Công ty cổ phần. Tại thời điểm được cấp GCN đăng ký Doanh nghiệp, vốn điều lệ công ty chúng tôi là 10 tỷ đồng chia làm 10.000 cổ phần. Theo đó, số vốn tôi góp là 3 tỷ đồng và tôi nắm trong tay 30% cổ phần công ty, trong đó có 15% cổ phần ưu đãi biểu quyết. Đến tháng 6/2018 tôi muốn chuyển nhượng 20% số cổ phần của mình cho một thành viên khác trong công ty, trong đó có 5% cổ phần ưu đãi biểu quyết. Xin luật sư cho biết tôi có thể chuyển nhượng số cổ phần của mình được không nếu hai người bạn tôi không đồng ý?

Luật sư trả lời:

Quy định pháp luật Doanh nghiệp hiện nay không cho phép bạn chuyển nhượng 5% ưu đãi biểu quyết trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp GCN đăng ký doanh nghiệp. Có hai trường hợp để bạn có thể chuyển đổi 5% cổ phần UĐBQ, một là chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông (quy định tại khoản 6 điều 113 Luật Doanh nghiệp 2014), hoặc sau 03 năm kể từ ngày được cấp GCN đăng ký doanh nghiệp, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập sẽ được chuyển thành cổ phần phổ thông (khoản 3 điều 113 Luật Doanh nghiệp 2014). Do bạn là cổ đông sáng lập và nắm 30% cổ phần của công ty, bạn có quyền yêu cầu triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (nếu đủ điều kiện tại điểm c khoản 2 điều 114 Luật này) và đưa ra yêu cầu về việc chuyển đổi 5% cổ phần ưu đãi biểu quyết thành cổ phần phổ thông. Nếu có thể triệu tập cuộc họp và được chấp thuận yêu cầu, lúc này số cổ phần bạn muốn chuyển nhượng sẽ trở thành 20% cổ phần phổ thông. Tại khoản 3 điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014:“Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.” Còn nếu không thể triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thì bạn vẫn có quyền chuyển nhượng 15% số cổ phần phổ thông theo quy định như chúng tôi đã dẫn phía trên.

Trên đây là phần trả lời của Luật sư, trong quá trình thực hiện, nếu có bất cứ thắc mắc gì, xin bạn vui lòng liên hệ Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội:

Địa chỉ: Tầng 2 tòa nhà Vitranco Building, số 192 Thái Thịnh, P. Láng Hạ, Quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Hotline: 0915.935.502/0868.35.1955

Điện thoại: (024) 3537 7398

Email: tuvan.luatsu5@gmail.com

 

Câu 2: Tôi là nhà đầu tư nước ngoài đã có giấy chứng nhận đầu tư về lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Doanh nghiệp của tôi được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam và có 56% vốn đầu tư nước ngoài. Lợi nhuận năm 2017 sau thuế của tôi là 57800 USD. Nay tôi muốn chuyển số lợi nhuận trên về nước thì cần làm những thủ tục nào? Xin luật sư giải đáp thắc mắc của tôi về vấn đề này.

Luật sư trả lời:

Căn cứ thông tư 186/2010/TT-BTC Hướng dẫn chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thì lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài theo hướng dẫn tại Thông tư này là lợi nhuận hợp pháp được chia hoặc thu được từ các hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo Luật Đầu tư, sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định.

Xác định lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài, tại Điều 4 Thông tư này quy định:

1.       Lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài hàng năm là lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài được chia hoặc thu được của năm tài chính từ hoạt động đầu tư trực tiếp căn cứ trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán, tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư cộng với (+) các khoản lợi nhuận khác như khoản lợi nhuận chưa chuyển hết từ các năm trước chuyển sang; trừ đi (-) các khoản nhà đầu tư nước ngoài đã sử dụng hoặc cam kết sử dụng để tái đầu tư tại Việt Nam, các khoản lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài đã sử dụng để trang trải các khoản chi của nhà đầu tư nước ngoài cho hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc cho nhu cầu cá nhân của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

2.        Lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài khi kết thúc hoạt động đầu tư tại Việt Nam là tổng số lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài thu được trong quá trình đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, trừ đi (-) các khoản lợi nhuận đã được sử dụng để tái đầu tư, các khoản lợi nhuận đã chuyển ra nước ngoài trong quá trình hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và các khoản đã sử dụng cho các chi tiêu khác của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

3.       Nhà đầu tư nước ngoài không được chuyển ra nước ngoài số lợi nhuận được chia hoặc thu được từ hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam của năm phát sinh lợi nhuận trong trường hợp trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài đầu tư của năm phát sinh lợi nhuận vẫn còn số lỗ luỹ kế sau khi đã chuyển lỗ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Về thời điểm chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, bạn được chuyển hàng năm số lợi nhuận được chia hoặc thu được từ các hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam ra nước ngoài khi kết thúc năm tài chính, sau khi doanh nghiệp của bạn tham gia đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật, đã nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán và tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm tài chính cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp. Hoặc khi kết thúc hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam sau khi doanh nghiệp mà bạn tham gia đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật, đã nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán và tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của Luật Quản lý thuế thì được chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

Trước khi thực hiện chuyển lợi nhuận ra nước ngoài ít nhất là 07 ngày làm việc, bạn phải thông báo cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp được biết về việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Mẫu thông báo ban hành kèm theo Thông tư 186/2010/TT-BTC Hướng dẫn chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

Trên đây là phần trả lời của Luật sư, trong quá trình thực hiện, nếu có bất cứ thắc mắc gì, xin bạn vui lòng liên hệ Văn phòng luật sư số 5 Hà Nội:

Địa chỉ: Tầng 2 tòa nhà Vitranco Building, số 192 Thái Thịnh, P. Láng Hạ, Quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Hotline: 0915.935.502/0868.35.1955

Điện thoại: (024) 3537 7398

Email: tuvan.luatsu5@gmail.com

undefined