Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

93% du khách hài lòng du lịch Việt: Khảo sát ai?

12:00 | 09/08/2018

Du lịch trong nước muốn phát triển phải so sánh với những nước như Thái Lan, Singapore, không nên ta chỉ nhìn vào ta...

Chỉ để tham khảo?

Ông Vũ Hoài Phương - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề du lịch Huế, bày tỏ nhiều băn khoăn về tỷ lệ 93,5% du khách quốc tế hài lòng với du lịch Việt Nam vừa được Tổng Cục du lịch Việt Nam (Bộ VH-TT-DL) công bố.

93% du khách hài lòng du lịch Việt: Khảo sát ai? - Ảnh 1.

Tình trạng chèo kéo khách du lịch còn phổ biến. Ảnh: Internet

So sánh với thực tế, ông Phương cho rằng với chỉ số 93% Tổng Cục du lịch công bố, có lẽ đây chỉ là số liệu tham khảo từ việc đánh giá mức độ hài lòng về nơi ăn, chỗ ngủ trong khách sạn 4, 5 sao mà chưa có những khảo sát các dịch vụ khác ngoài khách sạn. Trong trường hợp này, chỉ số trên vẫn còn khiêm tốn, còn thấp so với nhiều nước.Ông Phương cho biết, ông tin tưởng số liệu trên được đưa ra là có cơ sở, tuy nhiên, để đánh giá được ngành du lịch phải dựa trên rất nhiều yếu tố trong đó bao gồm từ cơ sở hạ tầng khách sạn, chất lượng dịch vụ trong khách sạn cho tới thái độ ứng xử, cơ sở hạ tầng ngoài đường phố, chất lượng dịch vụ văn hóa, môi trường ngoài đường phố... Đó mới là những yếu tố đầy đủ đo lường mức độ hài lòng hay không hài lòng của du khách.

"Ở những khách sạn lớn,đạt chuẩn quốc tế thì yêu cầu về dịch vụ, hạ tầng phục vụ du khách phải đáp ứng tối thiểu 95% yêu cầu, thậm chí còn cao hơn nhiều nữa", ông Phương cho biết.

Kết luận lại, trong việc phát mẫu lấy ý kiến khảo sát, ông Phương cho rằng, cần phải trả lời nhiều câu hỏi.

Thứ nhất, đối tượng du khách được lấy ý kiến là ai? Thứ hai, vùng khảo sát, điểm khảo sát thuộc khu vực nào, phân khúc nào của nhóm du khách quốc tế khi đến tham quan Việt Nam? Thứ ba, những nội dung cụ thể trong phiếu khảo sát thể hiện, phục vụ mục tiêu gì? Hướng tới nội dung nào?

"Lấy tiêu chuẩn của khách sạn 1, 2 sao để hỏi du khách ở khách sạn 4,5 sao thì đương nhiên là hài lòng hết.

Tiếp nữa, nếu một du khách thuộc phân khúc tiêu dùng thấp, nhưng lại được lấy ý kiến sử dụng các dịch vụ cao thì không phải 93% mà tất cả đều hài lòng", ông Phương nếu cụ thể.

Đừng chỉ so ta với ta

Một vấn đề khác cũng được Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề du lịch Huế đề cập tới đó là chỉ số hơn 40% du khách muốn quay lại Việt Nam. Ông Phương khẳng định, đối với du khách du lịch thuần túy, đây là con số xa xỉ, không bao giờ có được.

Ông Phương băn khoăn, số liệu trên được ghi nhận dựa trên thống kê những du khách ra vào chỉ vì mục đích du lịch hay còn dựa trên tiêu chí du lịch và thương mại?

"Nếu chỉ tính khách du lịch thuần túy, tôi tin con số 40% là không thể có được.

Còn nếu bao gồm cả du khách ra vào theo nhiều hình thức khác nhau như đi làm việc, đi lao động, đi khảo sát, nghiên cứu... thì đây không phải là con số đáng tự hào", ông Phương cho hay.

Sau nhiều băn khoăn đặt ra, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề du lịch Huế giải thích, đó là do ông nhìn vào tính đồng bộ của ngành du lịch trong nước.

Ông Vũ Hà Phương đánh giá, Việt Nam là đất nước có rất nhiều tiềm năng, nhiều tài nguyên để phát triển du lịch, tuy nhiên, cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, trong khi đó, khả năng tiếp cận tài nguyên lại chưa tới, vì thế, dù có tài nguyên nhưng nhiều khi vẫn đang bị bỏ quên, lãng phí.

Chỉ rõ mấy vấn đề, ông Phương phân tích:

Đầu tiên là quy hoạch du lịch Việt Nam chưa đồng bộ, bị chia cắt, cản trở bởi những quy hoạch vùng, quy hoạch ngành.

Tiếp đến, có nhiều sản phẩm, dịch vụ tốt nhưng lại chưa biết cách khai thác. Cùng là một sản phẩm dịch vụ đó, có chất lượng thậm chí còn tốt hơn ở Thái Lan nhưng du khách ở Thái Lan, Maylaysia thì vô cùng thích thú trong khi ở Việt Nam lại không thể bán được.

Vấn đề nữa, đầu tư cho quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch còn hạn chế. Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác trật tự đô thị còn yếu, kém, gây bất bình, bức xúc cho du khách.

Một vấn đề khác là, tính đồng bộ của cơ chế, chính sách chưa cao, vẫn còn quy định mở nhưng lại có quy định trói, gây khó khăn trong phát triển du lịch.

Cuối cùng, văn hóa ứng xử, tính chuyên nghiệp trong tiếp đón, phục vụ sử dụng các dịch vụ, hạ tầng chưa cao, còn nhiều bất cập, mang tính địa phương, vùng miền, gây khó chịu cho du khách.

"Nếu muốn du lịch trong nước tiến bộ thì cần phải so sánh với các nước có ngành du lịch phát triển như Singapore, Maylaysia, Thái Lan chứ không nên chỉ biết tự so sánh với mình. Ta so với ta sẽ không có một mốc nào để thay đổi, phát triển cả.

Tôi lấy ví dụ, khi du khách sang Thái Lan, Maylaysia, du khách được hưởng một kỳ nghỉ đúng nghĩa, được tiếp đón, sử dụng các dịch vụ tốt thật sự, tốt từ đầu tới cuối. Từ khâu bắt đầu bước chân đến nước họ, gặp một người lái xe, kéo dài suốt quá trình và cho tới khi kết thúc chuyến đi, ra về... Tất cả đều khiến du khách rất hài lòng.

Ở Việt Nam thì khác, thái độ phục vụ lỗ chỗ, nơi tốt, nơi thì rất dở, nhân viên còn cáu gắt, khó chịu, chưa cởi mở, trong khi hiện tượng lừa đảo, chèo kéo còn nhiều...

Điều này cho chúng ta thấy, tiềm năng du lịch thì nhiều nhưng khả năng khai thác, phát huy các thế mạnh du lịch thì làm chưa tốt, chưa hiệu quả", ông Phương kết luận.

 

Theo Lam Nguyên

Đất Việt

undefined